Kiểm soát việc mở rộng diện tích trồng sắn ở Tây Nguyên
- Thứ sáu - 18/08/2017 18:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Nguyên nhân khiến diện tích trồng sắn tại các tỉnh Tây Nguyên trong vài năm trở lại đây tăng mạnh là do sắn bán được giá. Nhiều thời điểm, giá sắn tươi dao động từ 1.200 đồng đến 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, sắn là loại cây trồng có vốn đầu tư ít, dễ trồng, thích nghi trên nhiều vùng đất khác nhau, nhất là chịu hạn tốt cho nên người dân ồ ạt trồng không theo quy hoạch, kế hoạch, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các địa phương. Thậm chí, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai, Kon Tum..., đồng bào các dân tộc thiểu số lén lút phá rừng để lấy đất trồng sắn. Việc người dân mở rộng diện tích trồng sắn một cách tự phát đã làm sản lượng sắn ở Tây Nguyên tăng đột biến, và dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Khi giá cả biến động, nguồn cung vượt cầu, giá sắn ắt sẽ giảm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, việc trồng sắn không áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến cho đất ngày càng bạc màu, khi phần lớn đồng bào các dân tộc trồng sắn trên đất nương rẫy không chú trọng đến chế độ đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, rải vụ mà trồng chay, khai thác triệt để các chất dinh dưỡng trong đất. Nếu không có kế hoạch phát triển phù hợp thì đây cũng chính là cây trồng làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất nhanh chóng bởi chỉ qua ba đến bốn vụ đất kém dinh dưỡng, rất khó để canh tác các loại cây trồng khác. Không thể phủ nhận, cây sắn đã góp phần tăng thu nhập cho người dân Tây Nguyên, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, cũng như tăng nguồn hàng xuất khẩu cho các địa phương. Tuy nhiên, việc người dân tại đây mở rộng diện tích trồng sắn ồ ạt, tự phát như hiện nay khiến nhiều người lo ngại. Trước thực trạng này, các địa phương cần có giải pháp tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ hậu quả của việc trồng sắn ồ ạt; muốn cây sắn phát triển bền vững thì phải sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch. Ðối với diện tích trồng ngoài quy hoạch như hiện nay, các địa phương cần hướng dẫn người dân chuyển đổi qua các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó, khi canh tác cây sắn, để giữ dinh dưỡng cho đất, ngành chức năng cần khuyến cáo người dân nên đầu tư thâm canh bón lót phân chuồng ủ hoai mục, bón thúc bằng phân NPK cân đối, hợp lý. Ðồng thời, đưa các giống sắn mới vào sản xuất, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen vụ để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa hạn chế xói mòn, bạc màu đất cho vùng Tây Nguyên.
Theo Phan Thái Sơn/ báo nhandan.com.vn |