Kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phát triển từ năm 2014

Kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà phát triển từ năm 2014
Hãng tài chính và tư vấn hàng đầu thế giới Ernst & Young dự báo tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dù vẫn yếu trong năm 2013, nhưng sẽ lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 7% từ 2014.

Thương mại và nhu cầu hàng hóa tăng cao

Trong bản dự báo về các thị trường tăng trưởng nhanh, Ernst & Young đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 7,8% trong năm 2013. “Xu hướng tăng trưởng gần 7% có thể đạt được vào năm 2014, khi thị trường xuất khẩu phục hồi, hệ thống ngân hàng trở nên ổn định hơn và nếu những thay đổi quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài đã dự tính có hiệu lực” - báo cáo của Ernst & Young cho biết. Đến năm 2015, mức tăng trưởng kinh tế của VN được dự báo sẽ tăng lên 7,1%, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tụt xuống còn 4,8%.

Theo lý giải của Ernst & Young, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng chuỗi giá trị, tạo nhiều cơ hội phát triển cho các nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc được dự báo đạt 8% GDP vào năm 2015 với 7 lĩnh vực chiến lược: Bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin thế hệ mới, công nghệ sinh học, sản xuất thiết bị cao cấp, vật liệu mới, năng lượng mới và xe năng lượng sạch.

Nhờ những thay đổi đó, các thị trường khác như Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như các nước ở Châu Phi, nơi có chi phí lao động thấp, sẽ phát triển mạnh mẽ trong một số ngành công nghiệp như dệt-may. “Indonesia, Thái Lan và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường phát triển thị phần dệt-may chung từ khoảng 5% như hiện nay lên 10% của toàn thế giới trong vòng 25 năm tới”- báo cáo này viết. Ngoài các sản phẩm may mặc, ngành công nghiệp viễn thông cũng được kỳ vọng là sẽ phát triển mạnh tại các thị trường này.

Việt Nam là một trong 25 thị trường tăng trưởng nhanh nhờ thương mại và nhu cầu hàng hóa tăng cao- theo báo cáo. Ernst & Young cho biết, những thị trường này đã bắt đầu lấy lại đà phát triển.

 

 


Đông Nam Á thu hút các ngân hàng

Trong dòng mạch phân tích về kinh tế Châu Á, Đông Nam Á đang nổi lên với những thương vụ thâu tóm, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá hàng nghìn tỉ USD. Trong giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ, con số ghi nhận được tại Đông Nam Á thậm chí lớn hơn cả ở Trung Quốc. Đông Nam Á dự báo vẫn giữ vị trí nổi bật trong năm nay về doanh số bán cổ phiếu, vượt qua cả thị trường Hồng Kông. Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cũng như tăng cường nhân sự để hưởng lợi từ sự bùng nổ của Đông Nam Á bao gồm Citigroup, Credit Suisse, Nomura, JP Morgan Chase. 

Sự khởi sắc tại Đông Nam Á được thúc đẩy nhờ sự trưởng thành của tầng lớp trung lưu, tiêu dùng ngày càng nhiều và các công ty vượt lên mạnh mẽ hơn, ổn định và không có nợ từ sau khủng hoảng kinh tế Châu Á cuối những năm 1990- Tổng Giám đốc Credit Suisse Group khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Eric Varvel nhận định. 

Sau Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là người khổng lồ, chiếm khoảng 19 tỉ USD doanh thu các ngân hàng đầu tư có được trong năm 2011, so với Đông Nam Á là 13 tỉ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường khó xâm nhập đối với các ngân hàng nước ngoài. “Người nước ngoài khó tiếp cận Trung Quốc hơn nhiều so với Đông Nam Á, do môi trường pháp lý” - H.V.Vinayak, người đứng đầu hoạt động ngân hàng đầu tư và thị trường vốn tại Châu Á của McKinsey cho biết. “Người nước ngoài chỉ có thể tiếp cận được khoảng 2% doanh thu tới từ chứng khoán Châu Á” - ông nói.
 

Anh Thư


Nguồn: Kinhtenongthon.com.vn