Kinh tế phục hồi rõ nét

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết tăng trưởng GDP cả năm 2015 đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra (6,2%). Nhưng điều quan trọng là nền kinh tế phục hồi rõ nét.
Tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 7/3, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã trình bày các Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Về kết quả kinh tế-xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng nền kinh tế có sự phục hồi rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,29%, cao hơn nhiều so với năm trước (năm 2014 tăng 7,14%), đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản lượng lương thực có hạt toàn quốc đạt gần 50,5 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm trước. Sản xuất lúa cả năm 2015 tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Sản lượng thủy sản năm 2015 tăng 3,4% so với năm trước.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu tiếp tục cải thiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tăng 9,5% so với năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,1 tỉ USD, tăng 7,9% so với năm 2014, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 10%) và thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 10%.

“Nguyên nhân của sự giảm sút này là do giá dầu thô giảm mạnh làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4 tỉ USD; giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản giảm, làm giảm kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.  

Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2014. Năm 2015, cả nước nhập siêu khoảng 3,5 tỉ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Riêng trong tháng 12/2015, chỉ số tiêu dùng trong nước (CPI) tăng 0,6% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001; bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Lý giải cho mức tăng thấp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp chủ yếu do giá dầu thế giới giảm mạnh (giảm khoảng 50% so với năm trước), tác động làm giảm giá xăng dầu và giá các hàng hóa khác. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào, bao gồm cả lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp và dịch vụ.

“Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh; tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua”, Bộ trưởng nói.

GDP bình quân 3.500USD/người vào năm 2020

Về tình hình kinh tế vĩ mô trong 5 năm (2011-2015), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, kinh tế vĩ mô đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát; tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% vào năm 2015.

Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011. Tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý; từ năm 2013 nền kinh tế dần phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm (riêng năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra). Quy mô và tiềm lực nền kinh tế được tăng lên. GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.

Nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước đạt (NSNN) và vượt dự toán Quốc hội đề ra. Tổng chi NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Trong cơ cấu chi NSNN, chi thường xuyên từ 55,2% tăng lên 64-65% tổng chi NSNN; trong khi đó chi đầu tư phát triển giảm mạnh từ 30,6% (giai đoạn 2001-2005) xuống 28,2% (giai đoạn 2006-2010) và còn khoảng 23,6% tổng chi NSNN (giai đoạn 2011-2015).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, cân đối NSNN gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỉ lệ bội chi NSNN trên GDP cao hơn Nghị quyết của Quốc hội. Dư nợ công của Chính phủ đến năm 2015 khoảng 62,2% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 43,1% GDP.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 3 đột phá lớn đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Theo Baochinhphu.vn