Kon Tum: Trở thành triệu phú từ trồng cà phê ghép

Kon Tum: Trở thành triệu phú từ trồng cà phê ghép
Nhờ xây dựng thành công mô hình cà phê ghép, một nông dân ở Kon Tum, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Là người đầu tiên xây dựng mô hình cà phê ghép, sau 10 năm phát triển, ông Cao Văn Luận, 54 tuổi, thôn 3, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã có thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

cfe-6999.jpg

 Nhiều nông dân đang tìm đến mô hình cà phê ghép của ông Luận để tham quan, học hỏi. Ảnh: Đức Nhật

Ông Luận cho biết: Năm 2009, ông được đi tập huấn về kỹ thuật trồng cà phê. Thấy mô hình cà phê ghép cho năng suất và hiệu quả cao, ông tự tìm tài liệu nghiên cứu; đến các mô hình tương tự ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) học hỏi kinh nghiệm trồng cà phê ghép.

Sau đó, ông Luận đến Viện EKaMat (Đắk Lắk) đặt mua hơn 2.000 cây cà phê ghép về trồng thử. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, sau 3 năm cho thu bói, và năm đầu năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha.

Sau khi đã có kinh nghiệm trồng, và nhận thấy cà phê ghép hiệu quả, ông Luận mày mò, nghiên cứu và tự ghép cây để giảm chi phí. Ông chọn giống cà phê vối, ghép vào thân cây cà phê mít.

Khi ngọn cà phê ghép phát triển tốt, ông bắt đầu chặt dần những cành trên cây cà phê cũ, để nhường chỗ cho cà phê ghép phát triển.

Cứ vậy, sau 10 năm tần tảo, đến nay vườn cà phê 3 ha của ông đã được thay thế hoàn toàn bằng cà phê ghép. Theo ông Luận, so với cà phê vối bình thường, sau khi trồng 3 năm cho thu bói, thì năng suất của cà phê ghép cũng cao hơn vài tấn/ha. Điều đó đã được chứng minh bằng thực tế.

Ông Luận nói: “So với cà phê cũ, cà phê ghép năng suất hơn từ 30 - 40%. Đơn cử như năm 2018, với diện tích 3 ha cà phê ghép, nhà tôi thu được hơn 83 tấn. Song, cũng diện tích này, trước kia giống cà phê cũ chỉ đạt khoảng hơn 50 tấn. Năm 2018, chỉ riêng bán cà phê tươi, gia đình tôi thu lãi được hơn 300 triệu đồng”.

Theo ông Luận, cà phê ghép có khả năng chịu hạn tốt và hạn chế sâu bệnh hơn cây cà phê bình thường. “Trồng cà phê sợ nhất là bị bệnh gỉ sắt thì với cà phê ghép lại kháng được căn bệnh này”, ông Luận chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cảnh, cho biết ông Luận là người tiên phong trong việc phát triển cà phê ghép. Hiện nay trên địa bàn có hàng chục hộ dân đã tìm đến ông Luận để học hỏi kinh nghiệp trồng cà phê ghép. Diện tích cà phê ghép toàn xã phát triển được khoảng hơn 20 ha.

Lâm Đồng: Thí điểm thiết kế cảnh quan vùng cà phê bền vững

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cùng Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, đã tổ chức tập huấn về Thiết kế cảnh quan cà phê bền vững vùng Tây Nguyên. Buổi tập huấn thu hút sự quan tâm của người dân địa phương.

lđ-933.jpg

 Nông dân đang chăm sóc cà phê

Nội dung tập huấn, giới thiệu những nghiên cứu về cảnh quan, bao gồm các yếu tố như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; Cách tiếp cận cảnh quan để quản lý tổng hợp các yếu tố tự nhiên, xã hội, tài nguyên môi trường, nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên.

Xu hướng phát triển kinh tế-xã hội ngày nay cho thấy, quy hoạch cảnh quan, là một hoạt động cần thiết, liên quan đến việc tạo sự hài hòa, giữa việc sử dụng đất, và việc bảo vệ các quá trình tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa trên phạm vi vùng miền hoặc khu vực địa lý.

Cần có quy hoạch, thiết kế cảnh quan, để điều chỉnh các hoạt động của con người, cho phù hợp với tự nhiên và xã hội, nhằm sử dụng nguồn tài nguyên ít hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên nhiên, truyền thống văn hóa, mang đến cho con người việc làm, thu nhập và điều kiện sống tốt hơn.  

Vận dụng vào Thiết kế cảnh quan cà phê bền vững ở Tây Nguyên, các chuyên gia tiến hành khảo sát tại Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, tập hợp, đánh giá các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội từng địa phương, tư vấn thiết kế xây dựng mô hình về cảnh quan cà phê bền vững.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã giới thiệu mục tiêu đối tượng, đánh giá điều kiện tự nhiên, xã hội, thực trạng sản xuất cà phê ở Tây Nguyên. 

Tại Lâm Đồng, Dự án VnSAT chọn xã Đông Thanh, để nghiên cứu thí điểm thiết kế cảnh quan cà phê bền vững. Đợt tập huấn này là bước khởi đầu để địa phương tiếp cận, hướng đến thực hành sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. 

 Đắk Lắk: Nông dân Ea Súp thất thu vụ lúa hè thu

Nông dân huyện Ea Súp đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu năm 2019. Tuy nhiên, do trời mưa nhiều khiến tiến độ thu hoạch chậm, dù nhiều ruộng đã chín vàng. Năng suất giảm, lúa rớt giá liên tục, người dân lo lắng.

foi-691.jpg

 Bà con huyện Ea Súp phơi lúa vvuj hè thus au khi thu hoạch

Vụ hè thu năm nay, huyện Ea Súp gieo trồng 5.397 ha lúa trên chân ruộng hai vụ và 6.962 ha lúa một vụ; chủ yếu là các giống lúa chủ lực, cho năng suất cao như TBR225, IR50404, OM 4900, OM 6976, Đài Thơm 8, ST 24...

Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp huyện cùng các cơ quan chức năng đã hướng dẫn các địa phương tăng cường các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh gây hại. Song, thời tiết diễn biến thất thường, nắng gió kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

Đặc biệt, trong quá trình làm đòng, do ảnh hưởng mưa bão, dẫn đến nhiều diện tích lúa thuộc các xã Ea Lê, Ea Bung, Cư Mlan… bị đổ ngã nặng, năng suất trung bình chỉ đạt 4 - 4,5 tấn/ha. Nhiều diện tích bị đổ ngã do giông lốc và mưa lớn, năng suất chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha.

Năng suất đã thấp, giá lúa lại biến động, bấp bênh, khảo sát tại một số khu vực cân lúa tại các xã Ea Lê, Ea Bung hay thị trấn Ea Súp, giá lúa tươi chỉ dao động từ 4.100 - 4.400 đồng/kg, lúa khô khoảng 5.300 - 5.500 đồng/kg, thấp hơn so vụ trước 500 - 700 đồng/kg.

Có một nghịch lý là, người dân sau khi gặt, đều phải bán lúa tươi cho thương lái, dù biết nếu phơi khô thì sẽ có giá cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân, do trời mưa liên tục khiến việc phơi lúa khó khăn, thời gian phơi kéo dài 3 - 4 ngày.

Giá công phơi cũng từ đó tăng theo, khiến người dân buộc phải chọn bán cho thương lái, để có tiền trang trải chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công gặt…

Là một trong những hộ trồng lúa có diện tích lớn tại thị trấn Ea Súp, năm nay, chị Nguyễn Thị Quyên gieo trồng hơn 5 ha lúa giống TBR225. Mặc dù, đã bỏ rất nhiều công chăm sóc, bón phân, phun thuốc hợp lý nhưng đến giai đoạn lúa làm đòng thì gặp mưa lớn liên tục, khiến tỷ lệ đậu hạt kém.

Đến khi lúa chín vàng chuẩn bị cho thu hoạch, lại có mưa giông kèm lốc làm 1/3 diện tích lúa của chị Quyên ngã đổ dưới ruộng, khiến năng suất lúa giảm, hạt lúa ngả màu đen.

Chị Quyên cho hay: “Mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa, nên chúng tôi kỳ vọng từng mùa. Không ngờ giá lúa hè thu năm nay thấp quá, nên nông dân không còn lãi.

Chưa kể năng suất vụ này cũng thấp hơn năm ngoái. Năm nay, lúa của tôi chỉ đạt 4,5 tấn/ha, giảm gần 1 tấn/ha so năm trước. Thương lái tới xem lúa gặt rồi, chỉ trả 4.200 đồng/kg. Biết là thấp nhưng cũng phải bán”.

Tương tự, bà Trần Thị Nga (xã Ea Lê) cũng vừa thu hoạch 3 ha lúa giống IR504. Thời tiết nắng nóng kéo dài và sâu bệnh gây hại, khiến năng suất  không cao, chỉ đạt gần 4 tấn/ha, thấp hơn khoảng 1 tấn so cùng vụ năm ngoái. Giá bán giảm gần 1.000 đồng/kg, nên theo tính toán của bà Nga, vụ lúa hè thu này không có lợi nhuận.

Theo dự đoán, giá lúa vẫn đang biến động và có khả năng tiếp tục xuống thấp khi thu hoạch rộ, nông dân chỉ còn cách cố gắng gặt lúa sớm, cân cho thương lái, để có tiền trang trải nợ nần phân bón, lúa giống cho đại lý và có vốn gối đầu vụ tiếp theo.

Theo An Như /kinhtenongthon.vn