Kỹ sư bám biển

Từ nay, ngư dân Ninh Thuận không còn “đơn thương độc mã” trên những chuyến biển xa. Đồng hành với họ còn có những kỹ sư giúp ngư dân bám biển, cùng đánh bắt hải sản.
 
Đây là cách làm mới nhưng hiệu quả ban đầu rất khả quan, cần được nghiên cứu và nhân rộng…
Đồng hành cùng ngư dân 
Những ngày này, tàu cá ngư dân nối đuôi nhau cập bến sau nhiều ngày lênh đênh trên biển Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đã hơn 2 năm qua, mỗi chuyến biển trở về ngư dân Ninh Thuận đều phấn khởi, bởi sản lượng hải sản đánh bắt được ngày mỗi tăng. Nhiều ngư dân hiểu rõ, năng suất sản lượng hải sản tăng ổn định, ngoài sự nỗ lực của họ thì có phần không nhỏ của những kỹ sư thủy sản luôn đồng hành. 
Chuyện là, từ năm 2015, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm mô hình kỹ sư khai thác thủy sản (gọi chung là kỹ sư) đang công tác tại các đơn vị trong tỉnh cùng ngư dân vượt biển cùng đánh bắt, khảo sát, thăm dò ngư trường trên các vùng biển thuộc lãnh hải của nước ta, đặc biệt là ngư trường ở Trường Sa, Nhà dàn DK1. Sau các chuyến khảo sát, nhiệm vụ của các kỹ sư là tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác gần bờ ra đánh bắt xa bờ. Bởi ai cũng hiểu rõ, nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, nguồn sống của ngư dân không còn đảm bảo nữa. 
Năm 2015 vào thời điểm khó khăn nhất, theo vận động của Chi cục Thủy sản tỉnh, anh Nguyễn Thanh Bình, chủ tàu cá NT-90690-TS ở khu phố 2, phường Đông Hải (TP Phan Rang-Tháp Chàm) đã cùng một kỹ sư vượt sóng đến với biển Trường Sa đánh bắt hải sản. Sau chuyến đi đánh bắt hơn nửa tháng, được sự chỉ dẫn tận tình của kỹ sư về ngư trường, nên hiệu quả khai thác đem lại cao rõ rệt.
Kỹ sư bám biển ảnh 1Có thêm sự hỗ trợ của các kỹ sư, ngư dân Ninh Thuận đánh bắt được nhiều hải sản và yên tâm bám biển hơn
“Đánh bắt xa bờ, khai thác nguồn thủy sản phong phú, cho thu nhập kinh tế cao nên tôi đã quyết định chuyển khai thác gần bờ ra xa bờ từ đó đến nay. Với nghề lưới rê đáy và lưới rê rạn, giờ mỗi chuyến đi khai thác, sau khi đã trừ chi phí đầu tư, tôi lãi được từ 70-80 triệu đồng”, anh Bình khoe.
Tương tự, tàu cá của anh Trần Minh Tuấn ở xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam cũng chuyển nghề đánh bắt xa bờ hơn 2 năm qua.
Anh cho biết: “Bám biển cùng tàu cá của tôi là kỹ sư Nguyễn Quách Trường Thanh, công tác tại Chi cục Thủy sản tỉnh. Sau chuyến biển ra đảo Đá Lát (quần đảo Trường Sa) để đánh bắt, anh Thanh đã thông tin cho chúng tôi rất nhiều về ngư trường ở đây. Kết quả, chúng tôi đánh bắt được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá đổng, cá gáy biển… Sau một vài chuyến đi biển hiệu quả, tôi đã chuyển hẳn sang nghề lưới rê đáy, nghề câu vàng xa bờ và thực tế đã cho thu nhập cao gấp 3-4 lần”.
Cùng vượt sóng dữ…
Việc đưa kỹ sư thủy sản cùng bám biển với ngư dân là cách làm mới và thiết thực. Anh Nguyễn Quách Trường Thanh, cán bộ Chi cục Thủy sản Ninh Thuận - người trực tiếp đi biển với ngư dân, cho biết, bên cạnh việc khảo sát, thăm dò ngư trường, các kỹ sư còn chủ động hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản đúng theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Ngoài  ra, các kỹ sư cũng khuyến cáo ngư dân chia sẻ thông tin ngư trường, thời tiết và an ninh - trật tự trên biển, có ý thức giữ gìn an ninh trật tự và tham gia bảo vệ chủ quyền biển.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức được 24 chuyến biển ra Trường Sa có các kỹ sư đi cùng, đó là những kỹ sư có thâm niên từ 10-20 năm công tác chuyên trách trong nghề. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2017, sẽ có thêm 4 chuyến biển có kỹ sư đi cùng dân đến biển Trường Sa.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, các kỹ sư còn tham gia, giúp đỡ ngư dân trong công tác tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển. Cuối tháng 3-2107, kỹ sư Nguyễn Văn Tiến, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận đã tham gia khảo sát, thăm dò và đánh bắt thủy sản ở ngư trường đảo Đá Lát với tàu cá NT-90738-TS của ông Nguyễn Bá Công (huyện Thuận Nam). Trong quá trình đánh bắt, phát hiện một tàu cá gặp nạn, anh đã cùng với các ngư dân trên tàu và 2 tàu cá của huyện Thuận Nam phối hợp cứu được 28 thuyền viên của tàu cá QNg-95302-TS (tỉnh Quảng Ngãi) bị sóng đánh chìm tàu, tình hình rất khẩn cấp.
Nhờ việc làm thiết thực này, đến nay, lượng tàu đăng ký khai thác ở biển Trường Sa của ngư dân Ninh Thuận đã tăng lên đáng kể, gấp 30 lần so với thời điểm trước năm 2015. Hưởng ứng Nghị định 67 của Chính phủ, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 19 tàu công suất trên 700CV được đóng mới, trong đó có 1 tàu hơn 1.000CV, nâng số lượng tàu cá của ngư dân trong tỉnh đến nay trên 2.760 tàu, với tổng công suất hơn 316.230CV. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 145 tổ đoàn kết, với 885 tàu cá tham gia. Sự hình thành và đẩy mạnh hoạt động các tổ đoàn kết khai thác, đã giúp cho các tàu cá trong tỉnh không những mạnh dạn ra xa đánh bắt hiệu quả, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo báo sggp.org.vn