Cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin với cơ hội việc làm ổn định tại Singapore, nhưng anh La Hữu Lộc (35 tuổi, ngụ P.Thới An Đông, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) vẫn quyết định trở về nước nuôi lươn để thỏa đam mê.
Anh Lộc kể trước đây làm việc ở Singapore. Do tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính với các chương trình, phần mềm... nên anh cảm thấy gò bó, dần dà không còn cảm giác đam mê. Năm 2012, anh quyết định về VN khởi nghiệp. Trong lúc đang phân vân chọn lựa, anh được bạn bè rủ nuôi lươn. Vậy là anh làm theo.
“Lúc đầu tôi chỉ tính nuôi chơi giết thời gian trong giai đoạn chưa định hình khởi nghiệp theo hướng nào. Vậy mà nuôi quen rồi thích lúc nào không hay”, anh Lộc tâm sự.
Theo anh Lộc, việc chọn lựa con lươn để khởi nghiệp quả là một quyết định khó khăn bởi anh chưa có kinh nghiệm gì về vật nuôi này. Để thực hiện ước mơ, anh Lộc đã dùng hết số tiền dành dụm khi làm việc ở nước ngoài cộng thêm tiền mượn gia đình hơn 1 tỉ đồng mở trại nuôi lươn giống Tam Lộc trên diện tích khoảng 3.000 m2 với gần 70 bồn nuôi lươn tại P.Thới An Đông. Anh Lộc cho biết khó khăn ban đầu là làm sao để chọn được con giống tốt.
Mặc dù tốt nghiệp đại học loại giỏi, được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc nhưng anh Nguyễn Thành Tân (26 tuổi) vẫn quyết định bỏ về nhà... nuôi lươn, hiện có thu nhập mỗi năm hơn nửa tỉ đồng.
Qua tìm hiểu, anh được các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ cung cấp con giống nuôi thử nghiệm, sau đó anh thu gom lươn giống bên ngoài để nuôi với số lượng lớn. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên 2 năm đầu tiên, lươn của anh phát triển không tốt, cả trang trại chỉ thu về 2 - 3 tấn lươn/năm, vừa thua lỗ rất nặng vừa tốn nhiều công sức.
Tuy nhiên, với anh Lộc, chính những thất bại là kinh nghiệm quý báu để anh hoàn thiện quy trình nuôi. Từ đó, mỗi khi lươn bị bệnh lạ hay có biểu hiện bất thường anh đều trao đổi vời bạn bè, các nhà khoa học để tìm hướng điều trị, sau đó ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm.
“Đến giờ tôi rút ra được nguyên nhân thất bại chính là do thiếu nguồn con giống chất lượng ổn định. Đặc biệt, khi người nuôi càng nhiều thì nhu cầu giống càng cao, trong khi nguồn cung thì có giới hạn và càng ngày ít đi. Do đó, tôi đặc biệt chú ý đến làm lươn giống và quyết theo đuổi cho đến nay”, anh Lộc nói.
Vậy là gần 2 năm nay trại lươn thịt của anh Lộc đã chuyển hẳn sang làm lươn giống. Hiện trang trại của anh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu con giống. “Để có nguồn con giống tốt trước hết phải chọn lươn bố mẹ đẹp về ngoại hình, khỏe mạnh. Sau đó phải kỹ lưỡng chọn đất thích hợp để vào bồn tạo môi trường thuận lợi cho lươn bố mẹ đẻ trứng. Yếu tố thời tiết là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng con giống sinh sản nhiều hay ít, do đó phải thường xuyên theo dõi để có hướng xử lý kịp thời”, anh Lộc tâm sự.
Theo anh Lộc, hiện nay nhu cầu nuôi lươn của thị trường miền Nam khoảng 10 triệu con giống/năm nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Chính vì vậy, anh đang đầu tư mở rộng diện tích trang trại cũng như trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Về lươn giống, nếu lươn đạt kích cỡ từ 1.400 - 1.600 con/kg thì giá 3.000 đồng/con, từ 500 - 700 con/kg giá 4.000 đồng/con, từ 250 - 350 con/kg giá 5.000 đồng/con… Từ việc bán lươn giống và lươn thương phẩm, mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Bà con nông dân mua lươn giống của anh Lộc đều được tư vấn cách thức xây dựng trang trại, hỗ trợ kỹ thuật, cách chăm sóc...
Từ thành công ban đầu cùng với những kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn, anh Lộc cho biết sắp tới sẽ đầu tư thêm trang trại nuôi lươn thịt theo tiêu chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm vào siêu thị; đồng thời thành lập tổ hợp tác bao tiêu lươn thịt cho người nuôi, đưa nghề nuôi lươn trở thành một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao ở ĐBSCL.