Kỹ sư công nghệ về quê nuôi chim
- Thứ năm - 02/05/2013 03:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Học ngành công nghệ thông tin ở Nga, về nước anh Phúc (thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đi làm ở nội thành Hà Nội, rồi về quê mở quán game, nhưng thu nhập vẫn không đảm bảo cuộc sống gia đình.
Quyết định từ bỏ công nghệ thông tin để về quê nuôi chim là quyết định táo bạo của anh. Có kiến thức về công nghệ thông tin, anh Phúc vào mạng Internet tìm hiểu thông tin về chăm sóc và cách thức quảng bá chim ra thị trường.
Anh Phúc chăm sóc đàn bồ câu. |
Năm 2009, anh đầu tư nuôi 30 đôi cu gáy và 100 đôi chim bồ câu. Nhưng, dịch bệnh khiến chim chết hết. Không từ bỏ đam mê, anh tìm tới nhiều trung tâm hướng dẫn chăn nuôi có uy tín để học hỏi thêm về kỹ thuật. Từ đó đến nay, đàn chim của gia đình anh chưa gặp phải đợt dịch bệnh đáng kể nào. “Sử dụng thức ăn và thuốc kháng bệnh phù hợp, vệ sinh chuồng trại thường xuyên là những yêu cầu bắt buộc để có đàn chim khỏe mạnh và phát triển tốt” - anh Phúc chia sẻ.
Nhờ những mối quan hệ, anh nhập một số giống bồ câu từ Nga, Hà Lan, Mỹ. Anh Phúc so sánh: Giá bán 1 cặp giống bồ câu Mỹ là 500.000 đồng, trong khi bồ câu thường khoảng 130.000 đồng/cặp. Chim bồ câu Mỹ trưởng thành giá từ 4-5 triệu đồng/cặp. Theo anh Phúc, chỉ với diện tích chuồng 60m2 có thể nuôi được khoảng 100 đôi chim. Hiếm nghề chăn nuôi nào chỉ cần diện tích nhỏ mà thu lợi nhuận cao như nuôi chim.
Ngoài nuôi bồ câu, anh còn nuôi chim cu gáy và huấn luyện chúng thành những chú chim biết hót theo ý muốn. Để có được những chú chim biết hót như vậy, anh Phúc đã bỏ nhiều công sức, thời gian để tập luyện cùng chúng. Anh thu âm giọng của những con hót hay rồi mở lại, dạy đàn chim hót theo. Anh Phúc cho biết, có con hót hay giá bán tới 19 triệu đồng. Để huấn luyện 1 con chim cu biết hót phải mất 1 năm, còn những con hót hay phải mất 2 năm. Hiện, chim bồ câu nuôi của anh Phúc được xuất bán đi khắp các tỉnh ở miền Bắc.
Theo Danviet.vn