Lãi suất cho nông nghiệp nên tính theo mùa vụ

Lãi suất cho nông nghiệp nên tính theo mùa vụ
Máy móc trong công nghiệp chế biến sử dụng trong cả 12 tháng, nhưng với nông nghiệp thì chỉ theo mùa vụ 3 tháng, còn lại là đắp chiếu.
 

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, chi phí lao động trong giá thành của sản phẩm nông nghiệp rất cao, đặc biệt ở thời điểm mùa vụ. Nói là lao động nông thôn rẻ trong tổng thể cả năm nhưng rất đắt trong thời kỳ mùa vụ. Giảm chi phí lao động chỉ bằng cách cơ giới hóa. Nhưng cơ giới hóa thì ai đầu tư? Nông dân mua một cái máy thì không đủ, mà DN thì không muốn đầu tư.

Lý do dẫn đến tình trạng này, theo TS Bộ là “Một cái máy trong công nghiệp chế biến thì sử dụng trong cả 12 tháng, thậm chí có loại làm 2 ca ngày (200%). Nhưng người nông dân nếu đầu tư mua máy làm đất, máy thu hoạch, máy tuốt thì chỉ làm trong một vụ, một tháng, giỏi lắm là 2-3 tháng, còn lại 9 tháng đắp chiếu. Vì vậy, nếu yêu cầu về vốn đầu tư cho cơ giới hóa trong nông nghiệp như sản xuất công nghiệp là bất công”.

Chính vì vậy, theo ông Bộ, muốn kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp thì tính lãi suất cho những người vay vốn đầu tư cho những khâu cơ giới hóa hoặc những khâu liên quan đến nông nghiệp thì hãy tính trên thời gian người ta sử dụng, khai thác máy đó. Và thời gian kia phải cho lãi suất ưu đãi để họ đầu tư.

Chia sẻ quan điểm này, là doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, cho rằng, khi tham gia sản xuất, tạo doanh thu, lợi nhuận thì người dân, doanh nghiệp mới khấu trừ được chi phí tài chính trong kỳ ấy. Nhưng khi hết thời vụ, máy đắp chiếu, bỏ không mà người nông dân vẫn phải trả lãi suất hàng tháng.

“Trong trường hợp này, để trả được nợ phải tạo ra được một giá trị lợi nhuận cao hơn trong thời vụ để bù đắp cho những tháng không hoạt động. Ai cũng biết rằng, ngoài lúc nông vụ có thể sử dụng máy móc vào làm việc khác, nhưng ý tưởng là vậy mà thực tế thực hiện lại không hề dễ” – ông An nói.

Đương nhiên, NH cũng là DN, phải đi huy động vốn của người dân, phải trả người dân 12 tháng. Nhưng người vay chỉ trả 3 tháng thì ngân hàng sao bù đắp vấn đề chi trả hàng tháng được. Chỗ này, theo TS Nguyễn Văn Bộ, cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng ngân sách nhà nước có xử lý việc này không lại là bài toán khó. Nhưng bây giờ bảo thu theo mùa, mà lãi suất trước đây chỉ có 1% bình quân, thì thu ngay trong kỳ có sản phẩm gấp 3 lần để trước hết giải quyết bài toán tâm lý. Khi có doanh thu có thể để chi phí cao lên một chút. Bởi khi có tiền thì dễ trả hơn. Không có doanh thu trong tháng ngừng sản xuất mà phải “vác tiền” đi trả thì cũng khó.

“NH có thể thu lãi suất trong thời gian có hoạt động sản xuất, tạo doanh thu, thay vì thu hàng tháng lãi suất thì thu vào mùa thu hoạch. Đương nhiên, 10% vẫn là 10% nhưng tâm lý là khi có nguồn doanh thu thì việc trả nợ dễ hơn” – ông An chia sẻ.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng phân vân khi cho rằng, đây là phương án tốt nhưng quan trọng là ngân hàng có đồng hành không. Ngân hàng huy động tiền gửi thì tháng nào trả tháng đấy. Lúc đó, NH họ chịu trước cho nông dân bằng việc xuất từ một nguồn khác trả lãi cho tiền gửi. Còn để đến vụ thu hoạch thì thu một lần.

Lựa chọn từng khâu để hỗ trợ

Với năng lực sản xuất hiện nay của Việt Nam, theo TS Nguyễn Văn Bộ, cái nào cũng cần hỗ trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ không thể áp dụng đại trà, cái nào cũng có mà cần đặt ra tiêu chí. Đầu tiên là sản phẩm mang qui mô lớn và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (ví dụ lúa gạo, cà phê…); thứ hai là hỗ trợ vào công đoạn mà nó ảnh hưởng mạnh nhất (ví dụ máy tuốt, máy sấy, thu hoạch…).

Ví dụ như khâu sấy sau thu hoạch (tổn thất vì rơi rụng trong quá trình thu hoạch lên tới 11-13% trong lúa gạo, 13-15% trong ngô, 20-30% trong rau quả… ). Nhà nước hãy hỗ trợ vào công đoạn đó để giảm tổn thất, thu hoạch đúng thời gian nông sản chín. Lấy hao hụt bằng tổng lợi nhuận quốc gia để hỗ trợ DN để đầu tư vào khâu thu hoạch và sấy. Cái đó không phải chỉ là số lượng về tổn thất mà còn là chất lượng sản phẩm. Làm được điều này, lợi nhuận của DN có thể bị ảnh hưởng ít nhưng lợi nhuận của cả quốc gia sẽ rất lớn. Cho nên, Nhà nước sẽ phải cân đối giữa các ngành hàng với nhau nếu muốn coi nông nghiệp là ngành hàng chính, van an toàn trong kinh tế-xã hội thì phải ưu tiên phát triển lĩnh vực này. Nếu không nông dân sẽ bỏ sản xuất nông nghiệp.

Với cách hỗ trợ như vậy, ông Bộ tin tưởng rằng, người dân có thể hình thành những doanh nghiệp dịch vụ vì hiện nay HTX sản xuất có thể tổ chức thành HTX dịch vụ. Cái này có thể thu lợi nhuận tức thì, cho người ta vay vốn ưu đãi để mua sản phẩm đó. Người ta sẽ trả dần bằng thu nhập hằng năm.

Ngoài ra, ông Bộ cũng nêu một trăn trở nữa đó là, doanh nghiệp vay vốn NH, rồi ứng vốn cho nông dân sản xuất. Nhưng đến vụ nông dân lại bán cho DN khác. Vì các DN này không phải đầu tư ban đầu, không phải chịu lãi suất nên họ thu mua với giá cao hơn DN đã đầu tư. DN đầu tư đó đã bị phá sản do lãi suất NH. Vì thế, phải có chế tài nữa là để DN có thể bảo toàn vốn, NH có thể yên tâm cho họ vay vốn.

Vũ Hạnh

Nguồn: VOVonline