Lâm Đồng: Trồng và làm ra thứ cà phê "độc, lạ" bán 500 ngàn/ký
- Thứ ba - 12/11/2019 18:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bị kêu là “gã khùng” vì đi trồng lạc dại
Video ông Vinh giới thiệu vườn cà phê trồng bạt ngàn lạc dại của mình.
Được sự giới thiệu của lãnh đạo Phòng NN PTTN huyện Di Linh, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã biết đến mô hình trồng và chế biến cà phê Robusta độc đáo của ông Trịnh Tấn Vinh.
Chúng tôi đến căn nhà của ông Vinh nằm bên QL20 khi ông vẫn đang mải miết rang mẻ cà phê mới. Tự tay pha và giới thiệu với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN ly cà phê “Thuần Trịnh” với cách thức mới lạ ông Vinh nói: “Thuần Trịnh nó là sự kết hợp giữa họ của tôi và sự thuần khiết, sạch, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học của những giọt cà phê. Chính vì vậy thương hiệu cà phê của tôi được lấy tên là Thuần Trịnh”.
Ly cà phê được thiết kế đặc biệt mang thương hiệu Thuần Trịnh của ông Vinh.
Sau khi thưởng thức ly cà phê nguyên chất, chúng tôi được ông Vinh dẫn ra khu vườn rộng 1ha trồng cà phê Robusta đang kỳ sai trĩu quả.
Điều phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN ngạc nhiên nhất là khu vườn cà phê được “trải thảm” bởi một lớp cỏ giống như cây lạc người dân vẫn hay trồng. Dường như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, ông Vinh nói ngay: “Đây là cây lạc dại, tôi trồng chúng ở vườn có rất nhiều tác dụng có thể các bạn chưa biết. Vào năm 2008, tôi có một người bạn đến chơi, chị ấy có cho tôi một ít cây lạc dại, bảo trồng đi có nhiều tác dụng lắm...".
Nghe theo lời chị bạn, ông Vinh trồng thử nghiệm thứ lạc dại ngay trong vườn cà phê của mình thì nhận thấy khu vực đó đất rất tốt, tơi xốp, nhiều mùn của giun. "Đặc biệt, chổ cây lạc dại mọc kín đất trồng ở vườn cà tôi nhận thấy nấm hay rệp trên cây cà phê không còn nữa. Vậy là tôi đã trồng lạc dại ra toàn bộ 1ha vườn của mình đến bây giờ”, ông Vinh tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Khu vườn của ông Vinh được trải một lớp thảm xanh mướt bằng cỏ lạc dại.
Ông Vinh cũng cho biết, khi mới bắt đầu trồng lạc dại, người dân xung quanh bảo ông “khùng”, sao lại mang cỏ về nhà trồng. Tuy nhiên, ông Vinh đã nhận được lợi ích không ngờ từ cây lạc dại.
“Qua đối chứng giữa hai mô hình trồng lạc dại và không trồng lạc dại cho thấy, trên lô trồng lạc dại phủ đất, cứ mỗi năm giảm được công làm cỏ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm độ phì nhiêu của đất tăng lên, cà phê thì xanh tốt, năng suất tăng dần. Đặc biệt, sâu bệnh nói chung, rệp, sáp giảm dần và đến nay vườn cà phê của tôi đã giảm đến 70 – 80% sâu bệnh...”, ông Vinh phấn khởi cho biết.
Hàng năm, ông Vinh hầu như không tốn công làm cỏ và tiền thuốc bảo vệ thực vật...
Làm ra thứ cà phê mật ong
Khi nhắc đến cà phê mật ong người ta có thể sẽ nghĩ đến cà phê có vị mật ong hay ngọt như mật ong. Nhưng không phải, cà phê mật ong của ông Trịnh Tấn Vinh được sản xuất một cách riêng để có 1 tên gọi đặc biệt.
“Bình thường cà phê của người dân sẽ được thu hoạch vào đầu tháng 11 hàng năm. Nhưng cà phê của tôi lại được thu hoạch vào cuối tháng 11. Vào thời điểm này, quả cà phê sẽ chín cả 2 nhân và có lượng đường vừa đủ. Khi thu hoạch cũng phải hái bằng rổ và chỉ lựa quả chín, sau mỗi buổi chiều thu hoạch về sẽ được rửa sạch bằng nước, không được để qua đêm...", ông Vinh tiết lộ.
Ông Vinh chia sẻ thêm: "Tiếp theo, những mẻ cà phê sẽ được xay lụa (dùng máy chà phần vỏ bên ngoài) rồi phơi lên giàn cách đất 1m. Đặc biệt, bên trên giàn phơi sẽ được phủ kín một lớp nilong để ong, ruồi, muỗi không hút hết vị ngọt của cà phê. Khi phơi đủ nắng (từ 5 – 10 ngày) hạt cà phê sẽ có mùi thơm của mật ong”.
Mẻ cà phê mật ong của ông Vinh mới rang xong.
Đối với loại cà phê này, ông Vinh sẽ không chà bỏ phần vỏ bên ngoài của nhân mà cứ để như vậy bỏ vào bao, dự trữ trong kho. Ông Vinh cho biết, với cách làm như vậy, hạt cà phê sẽ không bị sâu, mọt và giữ được hương vị. Nếu rang xay mà không sử dụng luôn, để lâu, cà phê sẽ mất đi mùi vị đặc trưng của cà phê. Vì vậy, mỗi khi có đơn hàng về thứ cà phê mật ong ông Vinh mới phơi lại rồi chà vỏ và rang xay đến đó.
Ông Vinh cho biết, cà phê mật ong dùng đến đâu, rang xay đến đó sẽ giữ được hương vị của cà phê.
Với 1ha cà phê Robusta của gia đình, ông Vinh cho biết chỉ thu được 4 tấn, 50% được dùng để chế biến cà phê mật ong và 50% chế biến cà phê thông thường. Tuy nhiên, ông Vinh nhận định, với giá cà phê hiện tại khoảng 37 ngàn đồng/kg thì cà phê mật ong của ông Vinh có giá cao hơn khoảng 15 lần.
Tuy sản lượng chưa cao nhưng giá thành cà phê của ông Vinh rất cao, mang lại thu nhập ổn định.
Hiện tại, đối với sản phẩm cà phê rang xay bình thường ông Vinh bán ra thị trường với giá 200 ngàn đồng/kg, với cà phê mật ong được làm theo quy trình “đặc biệt” trên sẽ được bán với giá 500 ngàn đồng/kg. "Tuy nhiên, vì là sản phẩm mới, mô hình mới nên sản lượng bán ra ngoài còn hạn chế. Trong năm 2019, tôi mới bán được ra thị trường TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng khoảng hơn 400kg...", trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Vinh cho biết.
Những hạt CÀ PHÊ MẬT ONG được trồng, chế biến rất kỳ công, chưa chà vỏ của ông Vinh mới được lấy từ bao dự trữ trong kho ra.