Lâm Đồng đi đầu nông nghiệp công nghệ cao

TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Năm 2010, giá trị SX nông nghiệp của Lâm Đồng đạt bình quân 80 triệu đồng/ha/năm, đến nay đã gần 90 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2- 3 lần so với mức bình quân chung của cả nước.

 

Qua 8 năm (2004 - 2012) triển khai chương trình NNCNC, tổng vốn đầu tư của Lâm Đồng được ghi nhận ở con số 3.600 tỷ đồng, vượt 38% so với kế hoạch. Nhờ đó, tỉnh đã có nhiều sản phẩm NNCNC có khả năng cạnh tranh cao như trà Blao, cà phê Di Linh, rau và hoa Đà Lạt, lúa gạo Cát Tiên, rượu cần Langbiang, nấm Đơn Dương, chuối La Ba…; và nhiều sản phẩm mới có triển vọng như cá nước lạnh, cá lăng Cát Tiên, sâm Đà Lạt, sâm Ngọc Linh, chè dược liệu Thiên Kim, diệp hạ châu Cát Tiên, cam đường không hạt, chè dây Đam Rông…


Nghiên cứu giống cây trồng NNCNC ở Lâm Đồng

Quy hoạch phát triển KH-CN của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 đã được phê duyệt thể hiện toàn diện, nổi bật với những dự án có tầm chiến lược dài hạn như: Khu CNSH và nông nghiệp ứng dụng CNC Đà Lạt (trên 220 ha) đang đi những bước cơ bản, với nguồn vốn dự kiến tập trung đầu tư tới 2.000 tỷ đồng; Khu công nghệ thông tin tập trung tập trung; Bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên cũng đã được Chính phủ phê duyệt; Trung tâm KH-CN hạt nhân Việt - Nga (diện tích khoảng 200 ha sẽ khởi động trong năm 2013 và là chiến lược hợp tác KH-CN quốc tế giữa Việt Nam và Nga với tổng vốn đầu tư tới 450 triệu USD)...

Tham luận “Công nghệ sinh học - khâu đột phá trong SX NNCNC góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lâm Đồng" của TS Phạm S tại hội thảo NNCNC vừa tổ chức tại Lâm Đồng, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 150.000 ha đạt doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/năm, trong đó trên 10.000 ha đạt từ 200 triệu đồng - 2 tỷ đồng/ha/năm. Diện tích ứng dụng NNCNC trên cây trồng là 26.000 ha, được trung ương đánh giá đứng đầu cả nước về phát triển NNCNC".

Trong 8 năm qua, thông qua chương trình NNCNC, Lâm Đồng đã tạo được cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 2.000 lượt người về kiến thức SX NNCNC; triển khai được nhiều mô hình SX có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn quốc gia như ORGANIK, HACCP, GlobalGAP, 4C, Utz Kapeh, VietGAP…

Đến nay cả tỉnh đã đạt được 150 chứng nhận các loại trên quy mô 13.500 ha rau, 2.500 ha chè, 43.000 ha cà phê và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chủng loại nông sản được SX có chứng nhận; góp phần đưa nông sản Lâm Đồng nâng cao uy tín thương mại, tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia vào thị trường quốc tế và khu vực.

Theo nongnghiep.vn