Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật - Báo động đỏ
- Chủ nhật - 18/11/2012 23:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một bảng hướng dẫn “1 phải - 5 giảm” của Chi cục BVTV An Giang. Ảnh: C.P. |
Lúa, tôm, cây ăn trái đều dính thuốc
Báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta sử dụng 15.000 - 25.000 tấn thuốc BVTV. Gần 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp đều có sử dụng thuốc BVTV, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng. Ước tính hiện có trên 1.000 chủng loại thuốc BVTV có độc tính cao đang được sử dụng trên đồng ruộng.
Các hóa chất BVTV hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý. Trong tháng 9-2012, Cục BVTV đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Kết quả, có 427/455 mẫu đạt chất lượng, chiếm 93,8%, có 28 mẫu (chiếm 6,2%) không đạt chất lượng.
Còn khi tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau của hơn 14.500 hộ nông dân, Cục BVTV đã phát hiện số hộ vi phạm lên tới hơn 3.900, chiếm 26,85%. Các hình thức vi phạm chủ yếu: sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, sử dụng thuốc không đúng quy trình kỹ thuật, nồng độ, liều lượng…
Nếu như trước đây, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV chỉ diễn ra trên cây ăn trái, trồng rau, sản xuất lúa thì nay ở các vùng nuôi thủy sản lại tăng rất nhanh. Tình trạng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL vừa qua, có nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả phân tích mẫu nước và mẫu bùn đáy ao được lấy từ các hộ nuôi tôm do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện rất đáng quan tâm.
Theo đó, đa số các mẫu kiểm chứng đều có chứa chất thuốc BVTV. Việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV (như Cybermethrin) trong diệt giáp xác là nguyên nhân chính dẫn đến tôm bị bệnh hoại tử gan tụy. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Cybermethrin là một loại thuốc diệt giáp xác rất độc. Cách đây 20 năm, Thái Lan đã cấm sử dụng Cybermethrin và thay vào đó là dùng lân hữu cơ để diệt giáp xác. Lạm dụng thuốc diệt giáp xác trong thời gian qua của người nông dân là một việc làm hết sức nguy hiểm, không chỉ hại người nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản Việt Nam.
Thói quen sử dụng thuốc BVTV rất có hại cho môi trường. Ảnh: D.Hoàng |
Siết lại bằng cách nào?
“Quản lý lỏng lẻo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan hiện nay cũng rất đáng báo động, là nguy cơ dẫn đến đất bị thoái hóa, bạc màu. Nhiều lô hàng rau, quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị thông báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, do nhiễm vi sinh vật và một số dịch hại”, PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM nhận định.
Tình trạng này cũng xảy ra trên các mặt hàng xuất khẩu thủy sản và trái cây. Theo đó, thói quen tiêu dùng của người đô thị giờ đây đã thay đổi, yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản, đòi hỏi nông dân cần phải thích ứng trước các thử thách mới.
Do vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy mạnh phong trào trồng rau, sản xuất trái cây sạch, không lạm dụng hóa chất; xua đuổi côn trùng bằng các dược thảo không độc hại. Trồng rau thủy canh hạn chế sâu bệnh, tận dụng nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Trồng những loại cây cao cấp, cho sản phẩm sạch, đạt hiệu quả, lợi nhuận cao.
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng giống xác nhận để tạo cây lúa khỏe ngay từ ban đầu; áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp; hướng dẫn nông dân nuôi cấy nấm xanh… để quản lý sâu rầy dịch hại.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục BVTV TP Cần Thơ, trong điều kiện sâu bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, áp lực giữ vững năng suất, sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực thì việc quản lý dịch hại bằng BVTV vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Vì vậy, hiểu đúng và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác mà còn đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và môi trường.
Phát triển bền vững vùng ĐBSCL luôn gắn liền với giữ gìn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên một cách hợp lý là phương cách tốt nhất bảo vệ cộng đồng và phát triển bền vững vùng. Lối sản xuất “ăn xổi ở thì” trong nông nghiệp càng không thể tồn tại vì thiếu bền vững. Cần phải có chiến lược về nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam “tươi ngon, sạch đẹp, bổ rẻ”, bỏ lối sản xuất làm ăn nhỏ lẻ, manh mún để hội nhập cùng thế giới.
Muốn làm được điều này, cần quản lý công nghệ và tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức hướng dẫn nông dân hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần phải siết chặt, bổ sung các quy định về kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động kiểm tra kiểm soát. Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT sớm ban hành văn bản phân định rõ chức năng quản lý của từng cơ quan để thống nhất thực hiện.
Cao Phong
Nghệ An: 913 điểm tồn dư thuốc BVTV
Bà Nguyễn Thị Đào, Chi cục phó Chi cục BVTV Nghệ An cho biết, theo điều tra khảo sát và đánh giá sơ bộ của đơn vị này thì địa bàn Nghệ An có 913 điểm tồn dư thuốc BVTV. Số điểm tồn dư này phân bố ở 446 xã trên địa bàn, tập trung ở vùng đồng bằng và trung du. Các kho thuốc này chủ yếu dùng trong nông nghiệp với hệ thống các hợp tác xã trước đây, nông - lâm trường, các xã - đội... Tiếp đó là một phần ở các kho của quân đội, y tế dùng để chống mối mọt, côn trùng... Thực trạng tồn dư thuốc BVTV có nhiều nguyên nhân. Trước đây, chúng ta dùng thuốc BVTV chỉ quan tâm đến vấn đề sử dụng nhưng không quan tâm đến vấn đề môi trường. Nhiều nơi xảy ra tình trạng, khi chuyển giao từ quản lý bao cấp sang mở cửa, chúng ta chỉ chuyển giao bộ máy nhân sự, còn kho thuốc thì bỏ quên. Chính vì vậy, người dân đã tự lấy thuốc về sử dụng riêng, một số nơi chính quyền cho dân xây dựng nhà trên nền kho thuốc cũ. Nhận thức của người dân trước đây còn xem nhẹ tác hại của thuốc BVTV. Ngoài ra còn việc các kho thuốc thường được xây dựng trên nền cao, kho xây tạm bợ... khiến thuốc thấm lan ra ngoài.
D.Cường
Theo sggp.org.vn