Làm gì cho mía… ngọt?

Làm gì cho mía… ngọt?
Mía từng được xem là cây trồng thoát nghèo và làm giàu của không ít nông dân huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Tuy nhiên, cây trồng này đang phải gánh chịu không ít rủi ro về hạn hán, sâu bệnh dẫn đến mất mùa, bên cạnh đó giá mía xuống thấp, tư thương o ép đủ đường khiến người trồng mía lâm vào tình cảnh lao đao.

Trước đây, gia đình bà Lê Thị Thoa ở xã Ea Sô trồng 7ha mía, thu lãi 250 - 300 triệu đồng/năm. Theo bà Thoa, mía là loại cây trồng khá dễ tính, chỉ cần trồng mới năm đầu và thu hoạch đều trong 4 năm mới phải phá bỏ trồng lại. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân chỉ cần phát cỏ, đốt trên bề mặt gốc và phơi đất khoảng 2 tuần, sau đó tưới nước để mía tiếp tục ra mầm. Giai đoạn mía lên xanh, tiến hành bóc lá cho cây phát triển lóng.

Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô chia sẻ: “Bên cạnh cây trồng - vật nuôi truyền thống, những năm qua, mía được bà con đưa vào danh sách cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Tuy nhiên, cây mía đang gặp phải nhiều khó khăn do thời tiết bất thường dẫn đến sâu bệnh tràn lan, giá cả giảm sút khiến nông dân không khỏi lo lắng. Nổi tiếng là cây trồng chịu hạn tốt, khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất khó khăn về thủy lợi nhưng trong tháng 7 - 8/2012, khi mía chưa kịp vươn lóng thì gặp thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài khiến hàng ngàn hecta bị ảnh hưởng.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong huyện, anh Đinh Văn Cần ở xã Ea Tyh phải chạy đôn chạy đáo mua hàng trăm mét ống nước và thuê người khoan 2 giếng ngay tại rẫy để cứu mía. Anh Cần chia sẻ: “Chưa năm nào thời tiết bất thường như năm nay, hàng loạt giếng khơi, hồ, suối trong vùng đều cạn. Niên vụ mía năm trước, tôi thu 70- 80 tấn mía/ha nhưng năm nay tình hình thế này thì mất mùa to, may ra chỉ thu được 30 tấn/ha. Cùng với hạn hán, người dân phải đầu tư công sức, phân bón, chăm sóc nhiều hơn. Nếu như trước đây, mía cho thu lãi từ 40- 60 triệu đồng/ha thì nay chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/ha.

Chưa kể, do thấy lợi nhuận kinh tế từ cây mía khá cao nên người dân Ea Kar ồ ạt mở rộng diện tích, trong khi đó, với tâm lý không muốn ràng buộc phải bán sản phẩm cho đơn vị thu mua theo hợp đồng, nhiều hộ trồng tự do và bán mía cho thương lái. Việc làm này vô tình tạo cơ hội cho thương lái ép cấp, ép giá bằng nhiều cách như đo trữ lượng đường thiếu khách quan, thu mua mía xô lại trừ tạp chất cao, tính ra người dân thiệt thòi khoảng 5- 10% so với giá trị thực.

Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp huyện Ea Kar cần tăng cường công tác chỉ đạo, yêu cầu các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ diện tích mía trên địa bàn, hạn chế việc mở rộng khi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhằm vận động nông dân tập trung thâm canh, tăng năng suất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng mía, đưa các giống mía mới, có sản lượng và chữ đường cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm công chăm sóc, chi phí đầu tư; đồng thời ký hợp đồng với các công ty mía đường trên địa bàn để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Bá Thăng

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn