Làm giàu ở nông thôn: Biến đất bỏ hoang thành gia trang tiền tỷ

Làm giàu ở nông thôn: Biến đất bỏ hoang thành gia trang tiền tỷ
Từng là một hộ nghèo khó nhưng giờ đây, gia đình bà Nguyễn Thị Dung, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) lại trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Bà Dung đã có hành trình gian nan biến đất hoang cằn cỗi thành gia trang bạc tỷ với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Mô hình kinh tế trang trại của bà Dung là một trong những cách làm giàu ở nông thôn.

Áp dụng tiến bộ khoa học

Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa chừng 70km về phía Tây, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) được biết đến là “vùng đất hứa” về phát triển nông nghiệp. Nhưng 30 năm về trước, nơi đây là những cánh rừng hoang sơ, đồi núi khô cằn quanh năm. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các chính sách khai hoang hiệu quả mà nơi đây đang là một trong những điểm sáng sản xuất nông nghiệp của xứ Thanh.

Là một trong những người đi đầu trong chính sách khai hoang, phục hóa đất rừng của địa phương, năm 1992, gia đình bà Nguyễn Thị Dung nhận 30ha đất rừng sản xuất tại Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Thành Vân (xã Thanh Vân, huyện Thạch Thành). Trong số đất rừng này, bà Dung có 9ha đất núi đá rừng đã cằn cỗi, 21ha đất trống mọc đầy cỏ tranh, bụi rậm…

 lam giau o nong thon: bien dat bo hoang thanh gia trang tien ty hinh anh 1

Bà Nguyễn Thị Dung bên trang trại tổng hợp mỗi năm cho doanh thu hàng tỷ đồng. Ảnh: Hữu Dụng

Nhận đất khai hoang được xem là quyết định khá “táo bạo” của gia đình bà Dung. Vì thời điểm đó, nơi đây “không điện, không nước, không đường đi” xung quanh chỉ toàn đồi núi, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt khiến nhiều người cảm thấy ái ngại và lo lắng. Nhưng với ý chí và nghị lực, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc gia đình bà vượt qua tất cả. Bởi bà Dung và gia đình xác định đây là cách làm giàu ở nông thôn.

Có đất sản xuất, gia đình bà Dung mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, xây dựng gia trại, trang trại tổng hợp. Tất cả đó đã đưa gia đình bà từ một hộ nông dân nghèo đến gương điển hình về phát triển kinh tế ở địa phương.

“Đến với nông nghiệp như một cái duyên nhưng quan trọng là đến, chọn hướng đi đúng. Mỗi ngày, tôi chưa hề nghĩ đến sự thành công mà chỉ nghĩ đến sự cố gắng, có cố gắng ắt sẽ thành công”- bà Dung chia sẻ.

Bà Dung cho biết, để sản xuất hiệu quả, gia đình bà đã áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là thực hiện thâm canh gối vụ để tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên hàng năm, không bị gián đoạn. Luân canh gối vụ còn giúp tạo thời gian nghỉ nhất định đối với đất.

Dựng cơ ngơi tiền tỷ

Sau gần 30 năm lập nghiệp giữa mảnh đất rừng hoang hóa, giờ đây, khi nhắc đến bà Dung nhiều người đều tỏ ra khâm phục và kính nể. Thậm chí, người dân nơi đây còn ví von đặt cho bà biệt hiệu “Dung cam” đất Thạch Thành.

Bà Nguyễn Thị Dung là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.

“Cam chịu, cam khổ” là hình ảnh người dân nơi đây thường thấy từ người phụ nữ tài ba này. Suốt hàng chục năm lam lũ với cây trồng, vật nuôi, đến nay, gia đình bà Dung đã biến 30ha rừng cằn cỗi thành cơ ngơi nông nghiệp bạc tỷ và được phủ cho một màu xanh mới, màu xanh của thành quả mà bao năm gia đình bà Dung xây dựng được.

Hiện, gia đình bà Nguyễn Thị Dung trồng 2ha cỏ voi, cỏ Angola để làm thức ăn chăn nuôi gia súc; 2ha mía nguyên liệu; 10ha cây ăn trái các loại như thanh long ruột đỏ, bơ, cam, ổi; 7ha trồng mắc ca… Tổng doanh thu từ trang trại, gia trại của gia đình bà Dung mỗi năm khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận đạt 1,5 tỷ/năm.

 “Hiện gia đình tôi đang trồng thử nghiệm cây cam Vân Du trồng xen với cây mắc ca. Thử nghiệm này bước đầu đã cho thành quả nhất định. Cây cam Vân Du trồng xen với mắc ca cho năng suất cao và đặc biệt là không có sâu bệnh. Làm kinh tế trang trại, làm vườn rừng không thể đốt cháy giai đoạn kiểu đầu tư ồ ạt. Điều quan trọng vẫn là lấy ngắn nuôi dài, cần phải có cái nhìn xa nhưng luôn phải biết đi trước”- bà Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Ngoài phát triển kinh tế trang trại, bà Dung còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và các hoạt động đoàn thể như: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Thành Vân, tổ trưởng tổ vay vốn, chủ nhiệm Câu lạc bộ phát triển kinh tế thuộc Hội Nông dân xã…

Bà Nguyễn Thị Dung nhận được nhiều tín nhiệm, quý mến và bà luôn là tấm gương sáng về lối sống, đạo đức, tích cực tuyên truyền tới người dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Với cương vị của mình, bà thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia công tác trồng, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Hồng Vân- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Bà Nguyễn Thị Dung là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Tuy xuất phát điểm thấp, nhưng qua học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những cái hay, cái mới trong sản xuất và áp dụng thành công, đến nay mô hình trang trại tổng hợp của gia đình bà Dung cho thấy hiệu quả thiết thực, được địa phương quan tâm và nhân rộng bởi đây là một trong những cách làm giàu ở nông thôn”.

Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, hàng năm, gia đình bà Dung còn phổ biến kinh nghiệm cho các hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra, bà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và 40 - 50 lao động thời vụ…

http://danviet.vn/nha-nong/lam-giau-o-nong-thon-bien-dat-bo-hoang-thanh-gia-trang-tien-ty-1008104.html
 
Theo Hửu Dụng/danviet.vn