Làm giàu ở nông thôn: Vùng đất dân cứ nuôi bò sữa là thành tỷ phú
- Thứ sáu - 13/04/2018 04:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khai thác thế mạnh tự nhiên
Cao nguyên Mộc Châu nằm ở độ cao khoảng 1.050 m, quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ, đất đai màu mỡ rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Tận dụng thế mạnh này, hàng trăm hộ nông dân ở Mộc Châu đã phát triển kinh tế gia đình bằng nghề chăn nuôi bò sữa. Ở Mộc Châu có rất nhiều hộ nuôi bò sữa, nhà ít có vài chục con, nhiều có đến cả trăm con và nghề nuôi bò sữa đã trở thành nghề làm giàu ở nông thôn của nhiều nông dân.
Nông dân nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu
Vào thăm trang trại nuôi bò rộng hơn 3 ha của ông Nguyễn Văn Biên, một hộ nuôi bò sữa ở đơn vị 77 (thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu), đúng lúc ông Biên đang chuẩn bị đồ nghề để làm công việc vắt sữa, ngưng tay ông Biên kể về quãng thời gian làm giàu của mình: Kinh qua nhiều nghề nhưng ông Biên chưa thấy nghề nào hiệu quả như nuôi bò sữa. Hơn ai hết, 20 năm gắn bó với bò sữa, ông rất thấu hiểu giá trị của đàn bò, luôn coi bò sữa như một phần không thể thiếu của gia đình.
Ông Biên phấn khởi: Khởi đầu từ 2 con bò sữa nhận khoán từ Công ty, đến nay đàn bò sữa của gia đình ông đã tăng lên 70 con, trong đó có 35 con bò mẹ đang cho sữa, trung bình mỗi tháng đàn bò cho thu từ 15 -20 tấn sữa. Với giá bán ổn định như hiện nay, trừ chi phí mỗi năm ông Biên lãi hơn 1 tỷ đồng.
Các trang trại bò sữa được nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu chăn nuôi đến sản xuất sản phẩm ra thị trường
Còn ông Bùi Duy Minh, người đang sở hữu 84 con bò sữa, phấn khởi cho hay: "Xác định nuôi bò sữa là nghề làm giàu, mỗi ngày tôi đều phải chăm đàn bò như chăm con mình, từ khẩu phần ăn, tắm rửa, vệ sinh, cách phòng dịch bệnh…để đàn bò luôn khỏe mạnh, cho nhiều sữa chất lượng...". Ông Minh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín một cách khoa học, từ khâu chăm sóc, vắt sữa đến xử lý chất thải, vệ sinh môi trường luôn đảm bảo, không ô nhiễm. Trung bình mỗi năm đàn bò sữa cho thu hơn 300 tấn sữa/năm, gia đình ông Minh lãi hơn 1 tỷ đồng.
Tuy có thu nhập tiền tỷ nhưng những người nuôi bò sữa ở Mộc Châu rất khiêm tốn, họ cho rằng, thu nhập của mình so với những hộ khác vẫn còn ít, bởi có những hộ nuôi cả trăm con bò, lãi đến cả chục tỷ. Thu nhập ổn định càng tiếp thêm động lực cho nông dân Mộc Châu gắn bó với nghề nuôi bò sữa.
Nông dân yên tâm nhờ sữa được thu mua ổn định
Tuy mỗi hộ sở hữu đàn bò đến cả trăm con, hàng chục tấn sữa mỗi ngày nhưng nông dân luôn yên tâm, không lo đầu ra vì đã có bảo hộ. Với mô hình liên kết với người nông dân của Công Ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, nguyên liệu sữa đều được công ty thu mua hết. Tất cả được thực hiện theo chuỗi khép kín, từ chăn nuôi tạo nguồn sữa nguyên liệu đến khâu thu mua, chế biến và xuất ra thị trường tiêu dùng. Sau đó, lợi nhuận thu được lại quay vòng trở lại đầu tư cho chăn nuôi bò sữa, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ, phát triển bền vững.
Nguyên liệu sữa được thu mua đến từng hộ gia đình thông qua các trạm thu mua
Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu ra đời năm 1958, tiền tân là Nông trường quốc doanh Mộc Châu, được thành lập bởi các chiến sỹ trung đoàn 280 (sư đoàn 335) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào trở về, được giao nhiệm vụ làm kinh ở Mộc Châu. Trải qua hơn 60 năm, công ty luôn gắn bó chặt chẽ với nông dân nuôi bò sữa, lấy nông dân làm nòng cốt trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Khâu chế biến sữa sạch
Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc, cho biết: Để ngành bò sữa phát triển bền vững, công ty đã tổ chức liên kết với nhân dân, từ khâu hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác thú y, thu mua sữa tươi nguyên liệu… đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, công tác chế biết luôn phát triển song hành ngành chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, công ty đang quản lý gần 600 hộ nông dân nuôi bò, với tổng đàn bò trên 23.000 con, mỗi năm sản xuất hơn 90.000 tấn sữa/năm.
Trải qua 60, hình thành và phát triển, Mộc Châu giờ đây đã trờ thành một cao nguyên xanh tốt và trù phú với sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi bò sữa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ngày càng thịnh vượng.