Làm thế nào để người dân không bị ế dưa hàng năm?
- Chủ nhật - 12/04/2015 09:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc Bộ Công thương huy động cán bộ công nhân viên bán dưa hấu trước cổng trụ sở giúp nông dân vừa qua nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận. Bên cạnh đó, đã có không ít cuộc bàn tán với những ý kiến khác nhau trên nhiều diễn đàn.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện, Khampha.vn đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.
Giải pháp thời điểm
Thứ trưởng Hải cho biết, ông không trực tiếp tham gia chỉ đạo chủ trương này, tuy nhiên, theo ông, đây chỉ là một hành động cụ thể trong thời điểm này và mang tính mùa vụ.
Còn với trách nhiệm quản lý, ông Hải cho rằng Bộ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như đàm phán, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, cung cấp các thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT và các địa phương ở vùng biên giới, làm việc với Trung Quốc. “Và rất nhiều các hoạt động khác, đấy mới gọi là căn cơ.” – Thứ trưởng Bộ Công thương nói.
Nhưng theo Thứ trưởng Hải, đối với nền kinh tế thị trường, quan trọng nhất là từ phía doanh nghiệp. Họ phải dựa vào hợp đồng phân phối, tiêu thụ sản phẩm với nông dân, phải chủ động và nhà nước sẽ hỗ trợ để tìm kiếm thị trường.
Mua dưa một hành động cụ thể trong thời điểm này và mang tính mùa vụ.
Theo ông Hải, trong thời điểm này, Bộ Công thương không thể làm hành động nào khác. “Nếu bây giờ đi khảo sát thị trường, mấy tháng sau mới có kết quả thì làm gì còn dưa hấu mà bán”, ông Hải nói.
Thứ trưởng cũng đặt vấn đề rằng tại sao các bộ khác, các đơn vị khác không làm như Bộ Công thương trong thời điểm này.
“Các anh nói nhiều nhưng các anh phải thấy đây là hành động rất thiết thực. Bản thân các anh đã mua dưa chưa? Đã giúp cho người dân chưa?” – Ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, nói về chức năng, nhiệm vụ, rất nhiều đơn vị phải làm, địa phương phải làm việc này. Ví dụ Bộ NN&PTNT, phải khuyến cáo người dân trồng bao nhiêu hecta. Cứ trồng nhiều thì lấy đâu ra nguồn mà tiêu thụ hết được. Địa phương cũng tương tự như vậy.
“Còn bây giờ, những hành động tốt phải được tuyên dương. Đôi khi những hành động tốt lại bị hiểu sai.” – Ông Hải nói.
Năm nào cũng ế, không giải quyết được
Trả lời Khampha.vn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc làm của Bộ Công thương vừa qua chỉ mang tính hình thức. Nhiệm vụ của Bộ Công thương là hoạch định chính sách nhằm giải quyết câu chuyện lớn chứ không phải những việc nhỏ lẻ.
“Lẽ ra khi Bộ Công thương thấy ngành nông nghiệp sản xuất nhiều dưa quá, phải bàn với Bộ NN&PTNT về giải pháp thị trường.” – Bà Lan nói.
Bà Lan đặt vấn đề, nếu các mặt hàng khác cũng ế, chẳng lẽ Bộ Công thương lại tiếp tục mua một, hai xe về bán ủng hộ?
TS. Phạm Chi Lan thừa nhận, việc sản xuất tiêu thụ vẫn là của chính doanh nghiệp và những nông dân. Bởi trồng dưa không thực sự nằm trong kế hoạch của nhà nước. Mặt khác, cơ quan nhà nước nhiều khi cũng không thể tính toán được hết.
Phải tạo điều kiện cho nông dân tổ chức sản xuất lại theo quy mô lớn
Nhưng theo bà Lan, câu chuyện thừa ế dưa đã diễn ra từ năm này sang năm khác. Người nông dân lại ở tình thế không có thông tin, hướng dẫn. Vùng nào trồng được dưa thì họ cứ trồng, người nông dân chỉ biết dựa vào trái dưa. Được mùa, được giá thì may, không thì họ phải chịu.
“Không hiểu Bộ Công thương đàm phán thế nào mà hết mùa này sang mùa khác, cái bất lợi cứ thuộc về mình. Nếu đàm phán rồi mà việc tiêu thụ vẫn khó khăn thì phải cảnh báo, sắp xếp, thu hẹp lại phạm vi sản xuất hoặc tìm kiếm thị trường khác.” – Bà Lan nói.
Khi được hỏi về giải pháp để chấm dứt những câu chuyện như “dưa ế”, bà Phạm Chi Lan cho hay, hiện nhà nước đang chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp một cách tổng thể và rất cốt lõi.
TS. Lan phân tích: “Nền nông nghiệp Việt Nam từ ngàn đời trước vẫn chỉ sản xuất cá thể, manh mún, nhỏ lẻ, không có kế hoạch, thị trường. Điều này lại cộng theo cả một loạt các cơ chế, đơn cử như đất đai. Mỗi hộ nông dân hiện chỉ có một vài mảnh đất nhỏ, phân tán, chỗ này trồng một tý, chỗ kia trồng một tý, từ đó không thể có quy hoạch, tính toán thị trường”.
Do vậy, theo chuyên gia kinh tế, phải tạo điều kiện cho nông dân tổ chức sản xuất lại theo quy mô lớn. Như vậy mới có sự đầu tư kỹ lưỡng từ nghiên cứu thị trường đến đàm phán đối tác, ký kết hợp đồng, đảm bảo sự ràng buộc. Khi đó, người nông dân không còn bị gây sức ép.
Để có được điều này, bà Lan cũng cho rằng, nên cho nông dân có quyền sở hữu đất canh tác của họ. Họ có thể chủ động bán hoặc gom đất, cùng sản xuất theo quy mô lớn. Hiện nay, mỗi người một mảnh mà lại không thuộc sở hữu của mình, chỉ có quyền sử dụng. Thành thử, họ muốn gom lại để đầu tư lớn cũng không được. Vì nếu làm thế, một ngày nào đó, chính quyền lại quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, mọi chuyện lại thành số 0.
Giải quyết được vấn đề sở hữu đất nông nghiệp thì mới có những ý tưởng sản xuất lớn, bài bản được. Nhà nước để người nông dân tự tổ chức, tính toán với nhau sản xuất mà không thể đứng ra điều phối, lo lắng được tất cả. Nhiệm vụ của nhà nước đối với người nông dân là giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ.
“Cứ theo cách thức hiện nay, người nông dân vẫn sản xuất không tính toán được việc trồng cây, quả rồi bán cho ai? Khi có quy mô lớn, người nông dân tự khắc có sự tính toán, điều tiết sản xuất cho phù hợp thị trường. Chính họ cũng sẽ có sự phân công, nắm bắt thông tin, tìm hiểu những giải pháp làm lợi cho mình”, TS. Lan kết luận.
theo khampha