Làm việc “chui” ở nước ngoài: Lao động Hà Tĩnh trả giá đắt!
- Thứ tư - 02/05/2018 19:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh Hoàng Văn Đ. (xã Xuân Hồng - Nghi Xuân) bị tử vong khi lao động bất hợp pháp ở Đài Loan, đến nay, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn để đưa thi thể anh về nước. Tháng 6/2016, anh Hoàng Văn Đ. (SN 1988, ở thôn 5 – xã Xuân Hồng – Nghi Xuân) đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan theo con đường hợp pháp, được một thời gian, anh "nhảy" ra ngoài làm việc. Tháng 4 vừa qua, anh bị tử nạn và đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra bảo lãnh, gia đình gặp khó khăn trong việc đưa thi thể anh về nước. Bi đát không kém là trường hợp anh Nguyễn Văn M. ở xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh). Năm 2016, M. sang Angola lao động bất hợp pháp. Không may sau đó, M. bị tai nạn lao động và tử vong. Là lao động "chui" nên M. không được hưởng bất kỳ chế độ gì, thậm chí, để đưa được thi thể nạn nhân về nước, gia đình phải mất nhiều chi phí, thời gian cho các thủ tục pháp lý khác.
Nhiều ngôi nhà cao tầng ở xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) được xây dựng từ những đồng ngoại tệ, song đằng sau đó cũng còn lắm nỗi niềm Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Công Minh – Trưởng Công an xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) cho biết: “Xã hiện có 513 lao động làm việc ở nhiều nước như: Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Angola… Điều đáng nói là, một số người đi theo con đường du lịch rồi ở lại lao động “chui”, số khác hết hạn hợp đồng không về nước mà bỏ ra ngoài làm ăn. Tính đến nay, xã Xuân Hồng có khoảng chục lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng, chưa trở về nước”. Lao động “chui” không chỉ là vấn đề nhức nhối của xã Xuân Hồng mà của toàn tỉnh. Theo Sở LĐ-TB&XH, Hà Tĩnh hiện có gần 53.000 lao động làm việc ở nước ngoài, trong đó có tới 53% lao động không thuộc diện hợp đồng, chủ yếu thuộc các nước như: Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản… Thực trạng này không những gây khó khăn cho công tác quản lý nguồn lao động mà khi có sự cố xảy ra thì người lao động phải chịu thiệt đầu tiên khi không được cơ quan chức năng và tổ chức nào bảo lãnh. Trường hợp lao động bị tử vong, chi phí đưa thi thể về nước mất khoảng 400 – 500 triệu đồng, gia đình hoàn toàn phải tự lo liệu… Thực tiễn cho thấy, chính thực trạng lao động bất hợp pháp đã làm mất hình ảnh của người lao động Hà Tĩnh trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp đã từ chối phỏng vấn đối với lao động có hộ khẩu ở Hà Tĩnh...
Tổ chức các chương trình đối thoại chính sách về di cư an toàn và phòng ngừa di cư trái phép là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao kiến thức về xuất khẩu lao động cho người dân. Ảnh tư liệu. Trước hậu quả nhiều lao động bất hợp pháp gặp phải, hơn lúc nào hết, người lao động Hà Tĩnh cần thức tỉnh, chấm dứt tình trạng lao động bất hợp pháp, sớm trở về nước. Nếu muốn tiếp tục xuất ngoại thì làm lại thủ tục, hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần làm "tròn" hơn nữa vai trò trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người lao động và gia đình tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về xuất khẩu lao động.
Theo Thu Phương/baohatinh.vn |