Làng nghề đan cót Thiệu Dương bên bờ vực thẳm!

Làng nghề đan cót Thiệu Dương bên bờ vực thẳm!
Kinh tế suy thoái đã và đang ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề, trong đó có làng nghề đan cót truyền thống ở xã Thiệu Dương (TP. Thanh Hoá – Thanh Hóa).

Nghề đan cót ở xã Thiệu Dương có từ lâu đời, ngay cả người già nơi đây cũng không ai biết rõ nghề có từ bao giờ, chỉ biết nhiều đứa trẻ lên 7 đã biết làm nghề. Trước đây, cuộc sống của đa phần người dân Thiệu Dương sung túc nhờ nghề này, nhà tầng mọc lên san sát, bộ mặt nông thôn giàu có, khang trang. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường tiêu thụ bị chững lại (do thị trường xây dựng, bất động sản trầm lắng) khiến các hộ làm nghề cũng điêu đứng theo. 

Ông Dương Khắc Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã buồn rầu nói: “Xã có 10 thôn thì tất cả đều làm nghề, trong đó 3 thôn phát triển mạnh nhất là 1, 2 và 3, nhưng hiện nay, hầu hết các thôn đều hoạt động cầm chừng, không còn cảnh bà con tấp nập đan cót nữa mà chuyển dần sang buôn bán, làm thuê hoặc đi làm ăn xa… Nếu thời gian tới thị trường không sáng sủa hơn thì nghề truyền thống của địa phương chắc chắn sẽ mất”. 

“Mặt khác, do hiện nay có công nghệ sản xuất ván ép, xốp nhựa với giá thành thấp hơn nên cót không còn là lựa chọn số 1 của các công trình xây dựng, khiến thị trường tiêu thụ rất chậm. Bình quân, thu nhập của người đan cót chỉ đạt 50.000 – 60.000 đồng/ngày nên bà con không còn mặn mà với nghề”, ông Nghĩa nói. 

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Lệ tâm sự: “Trước đây, cả gia đình tôi tham gia làm cót, thu nhập rất khá, nhưng bây giờ thì chán lắm, thậm chí có lúc hàng không tiêu thụ được nên cuộc sống rất khó khăn, tôi đã chuyển sang làm nghề may, thu nhập ổn định hơn”.

Theo báo cáo của UBND xã Thiệu Dương, những năm trước, xã có tới 90% số hộ làm nghề, thu nhập đạt 12 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu nhập toàn xã. Ông Dương Văn Hà, chủ một cơ sở chuyên thu mua cót thành phẩm của xã cho biết: “Trước đây, trong gia đình tôi lúc nào cũng có gần 30 lao động làm việc với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, mỗi tháng bán 3 – 4 vạn tấm cót, thu về hơn 2 tỷ đồng, nhưng bây giờ, do thị trường tiêu thụ chậm, cả năm mới bán được 3 – 4 vạn tấm nên chỉ còn 7 người làm”. 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Trước tình trạng làng nghề ngày càng đi xuống như hiện nay, UBND xã đã đề nghị Sở Công Thương quan tâm hơn nữa tới nghề truyền thống và có biện pháp duy trì, phát triển nghề theo hướng hiện đại, góp phần giữ gìn bản sắc quê hương cũng như tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nhưng trước mắt, chúng tôi vẫn phải động viên, khuyến khích các hộ làm nghề chủ động khắc phục khó khăn, cải tiến chất lượng, mẫu mã, mở rộng thị trường, nhằm gắn bó với nghề và ổn định cuộc sống”.

Như Quỳnh
(kinhtenongthon.com.vn)