Làng “thần tài” lao đao
- Thứ năm - 31/01/2013 20:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khởi nghiệp từ một bữa nhậu
Theo ông Nguyễn Văn Tiễu, trưởng thôn Chi Ngãi 2, nghề nuôi rắn độc ở đây đã manh nha từ những năm 2000. “Người đầu tiên nuôi rắn là anh Nguyễn Quy Khang, nhà hắn to đùng chỗ đầu con dốc ấy. Gặp hắn có nhiều chuyện hay lắm đấy”, vị trưởng thôn úp úp mở mở càng khiến chúng tôi thêm phần háo hức.
Đúng là to thật, nhà của “ông tổ” nghề rắn Nguyễn Quy Khang được xây cất 2 tầng khang trang, xung quanh có vườn cây, ao cá, cửa nhà đặt một hòn non bộ, nằm chình ình dưới sân là hai chiếc ô tô. Mời chúng tôi vào nhà uống nước, anh Khang chậm rãi kể cái duyên đến với nghề nuôi con “thần tài” của mình. Nhấp chén nước trà đặc quánh, anh Khang bắt đầu câu chuyện.
Đó là vào mùa hè năm 2000, được hôm rảnh rỗi, anh cùng mấy người bạn đi săn rắn về nhậu. Trời nắng chang chang, anh cùng bốn, năm người khác đầu đội mũ cối, quấn xắn ống, tay lăm lăm xà cạp (túi đựng rắn được may bằng vải thô). Sục sạo nháo nhào qua mấy quãng sông, ngòi rồi bờ ruộng, mấy tay “bợm” nhậu cũng bắt được chục con các loại…
Nhiều hộ cất được nhà lầu xe hơi nhờ nuôi rắn
Trời chiều nắng cũng đã nhạt dần, dường như ngấm lạnh và đang nóng lòng thưởng thức rắn nên nhóm của anh Khang bỏ về. “Mấy thằng cứ về trước làm thịt dần đi nhé, tao mò mẫm thêm một lúc xem có được thêm chú nào không”, anh Khang quay ra bảo với đám bạn. Thấy một lỗ khá to ở bờ ruộng, anh cúi xuống nhìn, “Quái, lỗ chuột gì lại có xác rắn to thế này”, Khang lẩm bẩm.
Chưa kịp hiểu ra chuyện gì bỗng trong lỗ có tiếng “phì, phì” nghe đến rợn người. Không dám cúi xuống nhìn lần nữa, anh đứng từ xa lấy một đoạn củi khô chọc vào sâu bên trong. Nghe đánh “phập” một cái, anh từ từ rút thanh củi ra khỏi miệng lỗ. Anh mắt tròn, mắt dẹt… từ trong miệng lỗ, một con rắn hổ mang bành to như cổ chân, cổ phình to, hai chiếc răng nanh cắm ngập trong thanh củi.
“Đúng là trong cái rủi có cái may các chú ạ, quả đấy anh mà thò tay vào thì chắc giờ không thể ngồi đây tiếp chuyện các chú được”, giọng anh Khang như lạc đi. Tôi và anh bạn đi cùng chăm chú ngồi nghe cái “duyên” đến với nghề nuôi rắn của anh Khang mà có cảm giác hồi hộp như như lạc vào… một bộ phim kiếm hiệp.
Tiếp tục câu chuyện, anh Khang bảo, lúc nhìn thấy con rắn cổ bành to, mắt đỏ lử mà không khác gì gặp ma. Mất vài giây để định thần, anh dùng tay đã cuốn xà cạp chụp mạnh lấy đầu con rắn, tay kia mở miệng chiếc xà cạp còn lại rồi nhanh tay quẳng nó vào trong. “Giờ ngồi nghĩ lại, không hiểu sao lúc đó anh lại bạo như thế”, anh Khang nói.
Tóm cổ được con rắn to, Khang hớn hở ra mặt, xăm xăm chạy về làm thịt cho kịp bữa nhậu. Thấy con rắn to, vì hiếu kì nhiều người trong xóm kéo để xem. Bỗng có một người muốn mua về để ngâm rượu với giá 90.000 đ/kg. Suy đi tính lại, anh đã bán con rắn đó với giá hơn 200.000 đ. Trong đầu anh lóe lên một ý nghĩ, sao mình không bắt rắn về để nuôi có phải hơn không, nuôi mấy con rắn khéo ăn đứt cả vụ làm lúa chứ chả chơi.
Nhà nhà nuôi rắn
Tiền lệ ở cái làng này, chưa có ai mang rắn độc về nuôi cả, việc anh Khang nuôi rắn khiến cả làng chú ý, trong đó không ít điều tiếng gièm pha, dị nghị rằng là “rước họa về làng”. Bỏ qua điều tiếng, anh lùng sục khắp các bờ sông, bờ ruộng bắt rắn độc về nuôi. Rắn con bắt được thì anh cho vào bể nuôi lớn, hai con rắn trưởng thành (một đực, một cái) sẽ được nuôi chung một bể nhỏ với mục đích sinh sản.
Sau gần 6 tháng chăm sóc, mẻ rắn đầu tiên của anh đã đạt tiêu chuẩn để bán, thu về cả chục triệu đồng. Tiền giống không mất, thức ăn kiếm được (chủ yếu là cóc), dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, rắn của anh Khang được gọi bằng một cái tên hoa mĩ là “thần tài”. Lúc cao điểm nhất, anh Khang nuôi tới 2.000 con.
Thấy được lợi nhuận mà con rắn đem lại, nhiều người trong làng cũng đổ xô đi bắt rắn về nuôi. Nhưng rắn thì có hạn, bắt mãi cũng phải hết, anh Khang phải mở rộng mô hình nuôi của mình, tập trung vào SX rắn giống phục vụ nhu cầu nuôi của người dân. Kinh nghiệm cứ truyền miệng từ người này sang người kia, rồi thì ai cũng có thể nuôi rắn một cách chuyên nghiệp.
Ông Tiễu nhớ lại, khi đó nhà ông cũng tham gia nuôi rắn, tính cả thôn có 30 hộ có “thần tài” trong nhà. Chúng tôi ghé thăm nhà anh Nguyễn Quy Bắc, một trong những hộ nuôi rắn nhiều nhất với khoảng 2.000 con. “Ở cái làng này, hầu như nhà nào cũng nuôi rắn. Mà chỉ nuôi đúng hai loại đó là hổ trâu và hổ phì”, anh Bắc cho biết. Vào thời điểm những năm 2001, giá rắn giống khoảng 200.000 đ/kg, cóc (làm thức ăn cho rắn) 4.000 đ/kg nếu bán được hơn 400.000 đ/kg, con “thần tài” sẽ sinh lời cực lớn.
Từ những chiếc bể nhỏ, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây trang trại nuôi rắn. Như nhà anh Nguyễn Quy Bắc, tất cả diện tích xung quanh đều được tận dụng tối đa xây chuồng trại. Vài trăm triệu bỏ ra đã biến thành một tổ hợp trang trại nuôi rắn khép kín. Ngay trước cửa nhà là khu nuôi rắn thịt, hông bên trái là khu nuôi rắn sinh sản, hông bên phải dành riêng cho việc ấp, nở trứng vì kín gió. Ngôi nhà của anh lọt thỏm ở giữa cả một trang trại “thần tài”.
Nghề nuôi rắn ở đây phát triển đến chóng mặt, đem về một nguồn lợi khổng lổ cho người dân Chi Ngãi. Tuy nhiên, việc nuôi một cách ồ ạt, khiến cho tình trạng cung vượt quá cầu xảy ra. Nhiều người đã tìm cách bắt mối, đưa rắn bán qua Trung Quốc. Từ đây, có rất nhiều chuyện khiến người nuôi phải “dở khóc dở cười”.
Đi đường quang, về… quàng bụi rậm
Tính đến thời điểm này, cả thôn Chi Ngãi 2 có 380 hộ thì có đến 120 hộ tham gia nuôi rắn. Vào vụ bán rắn, một ngày cả thôn có thể xuất vài chục tấn rắn là chuyện bình thường. Nhu cầu thị trường trong nước về rắn khá nhỏ, vậy lượng rắn kể trên đi đâu? Câu trả lời chính là xuất sang Trung Quốc.
Trước năm 2008, giá 1 kg rắn luôn có giá trên 1 triệu đồng. Nhưng giờ giá bán ra đỉnh điểm chỉ rơi vào khoảng 500.000 - 600.000 đ/kg khiến cho nhiều hộ lao đao. Ngay như ông trưởng thôn Nguyễn Văn Tiễu cũng phải đóng cửa trang trại. Nhìn trại nuôi rắn trở thành bãi để đồ thừa, vật liệu xây dựng… ông Tiễu tỏ rõ sự xót xa, nuối tiếc.
Gia đình trưởng thôn Tiễu đã dừng nuôi rắn từ năm 2008
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Quy Bắc nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ “Đi đường quang, về quàng bụi rậm” hay “Đi không biết đường về”. Thấy chúng tôi tỏ băn khoăn, anh Bắc bảo: "Các cậu muốn biết sự tình thế nào thì tìm gặp mấy ông chuyên thu mua rắn sẽ rõ".
“Khó khăn chồng chất khó khăn, nghề rắn đã mất giá, đất đai thì bị thu hồi để làm đường đến 4 năm chưa san lấp xong mặt bằng… không hiểu người dân quê tôi sống bằng cách gì đây”, trưởng thôn Nguyễn Văn Tiễu buồn rầu. |
Tìm đến gặp anh Nguyễn Quy Đài, người chuyên thu mua rắn hơn chục năm nay thở dài não nề: “Trước thì không nói làm gì, giờ rắn có bán được đâu, có khi mua về còn bị chết, khéo tôi phải bán xe chuyển nghề mất thôi”. Anh Đài phân trần, trước đây khi con “thần tài” còn có giá, người dân ăn lên làm ra thì tôi cũng sống được, nhưng đến nay thì… “Bây giờ ai có hàng gọi tôi đến thì lấy chứ không có chuyện tranh giành như trước. Khi đi bán mặt mày hớn hở, khi về lỗ chỏng vó vài trăm triệu, thật là đi đường quang, về quàng bụi rậm”, anh Đài ngậm ngùi.
Theo NNVN