Lập đường dây nóng, xây dựng "tai mắt" giám sát vật tư nông nghiệp
- Thứ hai - 27/04/2015 02:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đã chia sẻ những nội dung trên với phóng viên NTNN về việc triển khai “Chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN” - chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội NDVN, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương
Cơ hội lắng nghe, tiếp thu
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ NNPTNT, rất hoan nghênh và xem đây là cơ hội tốt để lắng nghe, tiếp thu những điều còn bất cập trong công tác quản lý để khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời sẽ chủ động, tích cực tham gia và tạo điều kiện để chương trình phối hợp đạt kết quả.
Tham gia chương trình này, ngành NNPTNT thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ- quản lý và giám sát. Điều này sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều khó khăn trong quá trình giám sát VTNN. Hiện nay, chủng loại VTNN rất đa dạng, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN rất lớn, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khó quản lý; đặc biệt nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng với thủ đoạn tinh vi rất khó phát hiện.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nông nghiệp còn quá mỏng, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế; chúng ta chưa có hệ thống phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng về chất lượng VTNN và ATTP; cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận người sử dụng VTNN chưa tốt dẫn đến lãng phí và mất ATTP.
Phải phân công trách nhiệm rõ ràng
Một số ý kiến từ cơ sở phản ánh, đại diện Sở NNPTNT, Sở Công Thương thường chỉ cử chuyên viên cấp thấp tham gia đoàn giám sát khiến hiệu lực giám sát chưa cao. Theo Thứ trưởng, cần có những giải pháp cụ thể nào để các bộ, sở ban ngành tham gia giám sát một cách tích cực, trách nhiệm cao?
- Trước hết chương trình phối hợp của 4 cơ quan phải được triển khai nghiêm túc ở cả cấp Trung ương và địa phương bằng kế hoạch, phân công trách nhiệm rất rõ ràng, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Cần phải tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng đồng tâm hiệp lực tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có tiêu chí đánh giá khách quan kết quả ở mỗi cơ quan, mỗi địa phương và tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện ở từng cơ quan, địa phương. Công khai kết quả đánh giá để kịp thời biểu dương đơn vị làm tốt, phê bình nhắc nhở các đơn vị làm chưa tốt.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp thực hiện giám sát và các điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội để tổ chức giám sát hiệu quả, trong đó có vấn đề kinh phí. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
- Trên cơ sở kết quả đánh giá hàng năm của chương trình phối hợp, Ban chỉ đạo sẽ xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để báo cáo Chính phủ tăng cường chỉ đạo, nếu thấy cần thiết. Trước mắt, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Hội ND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tập trung triển khai các hoạt động giám sát thí điểm tại một số địa phương để có cơ sở xây dựng kế hoạch giám sát nhân rộng trên địa bàn cả nước và đánh giá hiệu quả của chương trình phối hợp nêu trên.
Hiện tại, các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được các bộ, ngành chủ động thực hiện. Về kinh phí cũng đã được cân nhắc kỹ và đã được thể hiện trong chương trình phối hợp và kế hoạch hành động hàng năm. Theo tôi, kinh phí không phải là vấn đề khó khăn vướng mắc, vì đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị nên đã được bố trí, vấn đề là phối hợp và sự quyết tâm để phát huy sức mạnh.
Đại diện của Trung ương Hội NDVN và Bộ Công Thương từng có phát biểu cho rằng, các đoàn giám sát Trung ương không thể làm thay địa phương, mà rất cần sự chủ động, thường xuyên của địa phương. Thứ trưởng nhìn nhận vai trò của nông dân và Hội ND như thế nào trong vai trò giám sát?
- Ban chỉ đạo chương trình phối hợp đã nhìn nhận vai trò quan trọng của nông dân trong việc giám sát chất lượng VTNN, bởi nông dân vừa là người sử dụng sản phẩm VTNN, vừa tiếp xúc hàng ngày với hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở nên họ sẽ là tai mắt trong việc phát hiện các hành vi vi phạm, kịp thời phản ánh các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng... Các huyện, thị và tỉnh, thành phố sẽ thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân, từ cán bộ giám sát. Khi người dân phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc ở các cấp sẽ có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin đến các cơ quan thẩm quyền của ngành nông nghiệp, ngành công thương để xử lý vi phạm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đình Thắng
Theo danviet.vn