Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Sáng 08/01, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

 

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thiều Đình Duy chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đề ra và thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tỉnh hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Vì vậy yêu cầu sửa đổi hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, xây dựng; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Đến thời điểm này, sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2012, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được công bố để toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến. Dự thảo sửa đổi hiến pháp có 11 chương, 124 điều ( giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới so với hiến pháp năm 1992). Dự thảo hiến pháp sửa đổi năm 1992 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính chất bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của đảng, phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả, nhất là công tác giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thu hút sự tham gia của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và đóng góp ý kiến một cách thiết thực. Cần phải nhận thức rằng, để việc lấy ý kiến có ý nghĩa thực chất, quá trình này phải được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo baohatinh.vn