Liên kết DN với người tiêu dùng: Cần một “nhạc trưởng”

Liên kết DN với người tiêu dùng: Cần một “nhạc trưởng”
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM) Khánh Hòa vừa tổ chức chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, có một thực tế là hàng Việt tại các chợ vẫn “lép vế” trước hàng nhập lậu, hàng không nhãn mác bởi giá bán rẻ hơn.
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thu hút nhiều người dân trên địa bàn Khánh Hòa.

Dạo qua các chợ, gian hàng hoặc các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai. Ngay cả tại 2 phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm, các DN cũng như phần lớn người tiêu dùng (NTD) chỉ quan tâm đến hình dáng sản phẩm, giá cả là chính mà thường bỏ qua chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Anh Trần Quang Hưng, chủ một DN kinh doanh tại chợ Đầm cho biết: “Gần đây, sau nhiều vụ phát hiện thực phẩm nhập ngoại không đảm bảo chất lượng, chứa chất gây ung thư, NTD cũng đã cảnh giác hơn và ưu tiên chọn hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để NTD nhận biết được đâu là hàng nhập lậu, đâu là hàng sản xuất trong nước thì quả là rất nan giải. Lâu nay NTD mua sắm chủ yếu bằng kinh nghiệm và cảm tính, nghĩa là thấy thực phẩm còn tươi, nhìn đẹp mắt, giá hợp lý thì mua chứ không phân biệt đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam...”.

Khánh Hòa hiện có hơn 120 chợ truyền thống và là kênh phân phối hàng hóa chủ lực tới NTD. Lý giải về việc tại sao hàng Việt luôn bị “lép vế” tại các chợ truyền thống, bà Hà Lệ Thu, tiểu thương chợ Xóm Mới (Nha Trang), chuyên kinh doanh hàng may mặc cho biết: “Hàng hóa nước ngoài mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại phải chăng, hợp với thị hiếu của phần lớn NTD, chẳng hạn, quần áo, giày dép Trung Quốc giá thường rẻ hơn 150.000 đồng/sản phẩm so với hàng Việt. Riêng các nhãn hiệu may mặc lớn trong nước thường có giá cao gấp 3 - 4 lần hàng Trung Quốc nên chỉ có mặt ở các cửa hàng thời trang, siêu thị lớn chứ chúng tôi không dám nhập về”.

Một nguyên nhân nữa cần phải kể đến là, hiện nay, nhiều DN vẫn tập trung vào xuất khẩu hoặc đưa hàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị mà chưa đầu tư cho hệ thống phân phối tại các chợ truyền thống, chợ nông thôn, phương thức thanh toán cũng thiếu linh hoạt. Ông Phạm Trọng Thái, Phó giám đốc Trung tâm KC-XTTM tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện DN chủ yếu áp dụng hình thức mua đứt bán đoạn, tức là trả tiền mới lấy được hàng, trong khi đó, đối tác nước ngoài lại có phương thức thanh toán dễ dàng hơn. Họ cho tiểu thương mua theo dạng gối đầu, nghĩa là tiền hàng đợt trước sẽ được thanh toán khi giao hàng ở đợt sau.

Theo khảo sát, tại 2 phiên chợ vừa qua, các DN tham gia đều thực hiện đúng quy định như kinh doanh hàng hóa được sản xuất trong nước; không bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng trộm cắp, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đúng quy định về tem, nhãn mác; hàng quá hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng… nhằm quảng bá sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu của DN trong nước. Tuy nhiên, để cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt thành công và bền vững, rất cần có một “nhạc trưởng” liên kết, tạo niềm tin giữa DN và NTD. Cần có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí, tiềm năng của các chợ truyền thống cũng như chú trọng hơn đến đối tượng thu nhập thấp thông qua xây dựng kênh phân phối tại các chợ.

Ngoài ra, để chiếm được lòng tin của NTD, các nhà sản xuất cần nghiên cứu cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; có phương thức tiếp cận phù hợp để đưa sản phẩm vào chợ một cách hiệu quả, đặc biệt là với các chợ đầu mối bán buôn; xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, tiếp thị năng động, linh hoạt, có mặt ở các vùng sâu, vùng xa để cung cấp kịp thời hàng hóa cho người dân.

Đình Thi

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn