Liên kết “ba bên” dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn

Liên kết “ba bên” dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn
Sau một thời gian thực hiện thí điểm thành công, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhân rộng mô hình liên kết “ba bên”, gồm: trường dạy nghề, cơ sở sản xuất và quản lí nhà nước trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, mô hình liên kết “ba bên” đã dạy nghề cho gần 1.000 lao động.
 
 
 


Trong đó, có đến hơn 95% lao động sau khi được đào tạo nghề làm việc đạt hiệu quả cao. Qua đó, giúp cơ sở sản xuất không phải đào tạo lại nghề cho người lao động, tiết kiệm được chi phí.

 

 Ảnh minh họa (nguồn: báo Quảng Ngãi)


Mô hình liên kết “ba bên” đang đào tạo các nghề may công nghiệp, sản xuất sợi, mây tre đan, thêu ren, dệt thổ cẩm… cho lao động nông thôn. Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền có 80 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo mô hình liên kết “ba bên”, gồm: trung tâm dạy nghề huyện Quảng Điền, chương trình khuyến công và hợp tác xã. Tất cả lao động được dạy nghề đã đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần sản xuất những mẫu mã mới, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. 

Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Bao La, cho biết: từ chương trình liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đơn vị đã tiếp nhận được thêm nhiều lao động để mở rộng sản xuất và cải tiến mẫu mã. Đến nay, đơn vị đã sản xuất ra 400 mẫu mã sản phẩm khác nhau. Sản phẩm do chính lao động ở địa phương làm ra đã được xuất đi khắp cả nước và sẽ xuất khẩu.

Mô hình liên kết “ba bên” cũng được nhân rộng để đào tạo nghề có tính chuyên nghiệp cao. Khi được dạy nghề, lao động nông thôn phải sử dụng và làm chủ được các thiết bị, máy móc hiện đại. Mô hình liên kết “ba bên” phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi bên, nhưng đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là đào tạo được lao động nông thôn có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Trong đó, trường dạy nghề xây dựng lí thuyết chương trình đào tạo nghề mà cơ sở sản xuất đang cần; cơ sở sản xuất sẽ tiếp nhận học viên đến thực hành và nhận vào làm việc sau khi được đào tạo nghề; quản lí nhà nước thực thi hỗ trợ vốn và các chính sách cho người học nghề, cơ sở sản xuất và trường dạy nghề.

Theo khảo sát mới đây, gần 62.000 lao động nông thôn ở Thừa Thiên - Huế có nhu cầu học nghề. Trong đó, hơn 22.700 người muốn học nghề du lịch, dịch vụ; khoảng 24.700 người muốn học nghề công nghiệp, xây dựng và trên 14.400 người muốn học nghề nông, lâm, thuỷ sản. Đến nay, tỉnh đã có trên 13.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, lao động được đào tạo các nghề phi nông nghiệp chiếm trên 70%. Tỉnh phấn đấu 85% lao động nông thôn sau khi học nghề sẽ có việc làm và thu nhập ổn định./.

Theo http://cpv.org.vn