Liên kết nâng cao giá trị nông sản

Liên kết nâng cao giá trị nông sản
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hàng năm ở Davos (Thụy Sĩ), 17 công ty đa quốc gia đưa ra sáng kiến liên kết công tư (PPP) “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” với mục tiêu sản xuất tăng lên 20%, giảm mức thải carbon 20%, giảm tỷ lệ người nghèo sống ở nông thôn 20% mỗi thập kỷ. Từ đó, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, tổ chức ở TPHCM năm 2010, Bộ NN-PTNT cùng với 12 tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế như Metro Cash and Cary, Nestlé, Unilever, Sygenta, Foods, Pepsi, Yara International, Monsanto, Bunge… thành lập 5 nhóm đối tác công tư nông nghiệp trong các loại cây cà phê, trà, thủy sản, rau quả và các cây trồng khác…

 
Đóng gói thành phẩm tại Công ty Cà phê Thắng Lợi (Đắc Lắc).
 
Mô hình liên kết công ty đa quốc gia
Mục tiêu của các nhóm trên là thúc đẩy trồng các loại cây phát triển bền vững, đưa dân vào chuỗi giá trị, hợp tác đa phương để hỗ trợ nông dân. Trong đó, khu vực tư nhân gồm Nestlé, Yara, Syngenta, Cisco, EDE Consultang, Dakman… sẽ mời thêm BASF, Bayer, các tổ chức tài chính. Khu vực nhà nước gồm Bộ NN-PTNT, Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp Phát triển nông thôn, các địa phương và các sở ngành. Hiệp hội ngành nghề trong nước, tổ chức quốc tế như Rain Forest, Hiệp hội 4C (tổ chức quốc tế thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê – Common Code for the Coffee Community), UTZ Certified, Rain Forest. Giúp nông dân kỹ thuật, nhằm giảm 10%-20% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% nước tưới, tăng bình quân 10% năng suất. Chất lượng sản phẩm cao hơn nên giá bán tăng lên. Từ đó, giúp tăng thêm thu nhập của bà con 10%-15% so với phương pháp truyền thống.
Với cách này, Công ty Nestlé Việt Nam triển khai dự án hỗ trợ người nông dân trồng cà phê như: Dự án sáng kiến nông nghiệp bền vững (SAI), dự án cạnh tranh nông nghiệp, dự án nhân giống, dự án 4C… phổ cập kinh nghiệm tốt nhất trong việc canh tác và chế biến cà phê theo hướng bền vững. Mỗi năm Nestlé mua 20% – 25% tổng sản lượng cà phê Robusta Việt Nam (200.000 – 250.000 tấn) tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Nghệ An. Trong 5 năm tới Công ty Unilever Việt Nam (với thương hiệu trà Lipton) sẽ nâng lượng mua trà trong nước từ 10.000 tấn (giai đoạn 1) lên 25.000 – 30.000 tấn năm 2015. Sau đó Việt Nam sẽ là thị trường cung cấp chính nguồn nguyên liệu của Unilever. Theo Công ty Unilever, ngay từ tháng 8 vừa qua đã có những kết quả ban đầu khả quan.
Doanh nghiệp trong nước chuyển mình
Cùng với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp (DN) trong nước thời gian qua cũng đã tham gia. Theo Công ty Cà phê Trung Nguyên, hoạt động chiến lược của công ty là nâng cao chất lượng nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm cà phê đặc biệt, đảm bảo việc truy nguyên sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường,… đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Hiện có 2.500ha với 1.500 hộ nông dân Đắc Lắc tham gia. Người dân được cung cấp kiến thức, áp dụng các tiêu chuẩn UTZ trong canh tác cà phê như về nước tưới, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến, bảo quản, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu tốt nhất và nâng cao lợi ích cho các hộ dân trồng cà phê. Hạt cà phê được đảm bảo nguồn thu mua ổn định và giá thu mua cao hơn so với thị trường, góp phần khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Nhưng sự thành công cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang ở vùng ĐBSCL là minh chứng rõ và mới nhất về liên kết công tư. Trong đó, công ty cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và sản xuất theo quy trình mà các kỹ sư nông nghiệp của công ty cùng ăn, cùng ở cùng làm với bà con nông dân. Khi thu hoạch, công ty mua ngay tại ruộng chở về nhà kho, sấy lúa miễn phí và bà con có thể gởi tại kho trong 1 tháng, chờ lúc giá cao nhất để bán. Với cách làm này, năng suất lúa và tỷ lệ thu hồi cao hơn, hạt gạo ít gãy hơn. Nhà nhập khẩu nước ngoài mua tăng thêm 20-25USD/tấn so với gạo xuất khẩu khác, dự kiến sẽ tăng thêm 30-40USD/tấn.
Ngồi chung xuồng
Thật ra mô hình liên kết công tư kiểu này đã thấp thoáng xuất hiện trước đó với sản phẩm sữa như Vinamilk, Friesland Campina với các hộ nuôi bò sữa tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Tây Ninh… Công ty CP Việt Nam trong chăn nuôi heo và gà. Vinamit với các loại nông sản sấy khô (mít, chuối, khoai lang, đậu…) với vùng nguyên liệu lên đến hơn 10.000ha trải từ đồng bằng sông Cửu Long đến Đông Nam bộ. Công ty TNHH Ba Huân với hàng ngàn người chăn nuôi vịt ở vùng ĐBSCL…
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, liên kết 4 nhà có gần chục năm qua không hiệu quả do các bên xảy ra xung đột liên tục. Nhưng với liên kết công tư hiện nay lại góp phần tạo ra chuỗi liên kết làm tăng giá trị sản phẩm mà cả DN và nông dân đều hưởng lợi và có sự phân chia lợi nhuận tương đối đồng đều. DN và bà con cùng chung một xuồng.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng, khi thay đổi cách tiếp cận đã có kết quả khác biệt, vai trò đối tác ở đây nằm trong một chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ giống, trồng trọt, đến thu mua, chế biến, tiêu thụ. Trong đó, tất cả đối tác đều phát huy hết vai trò. Nhà nước chỉ cần thiết kế chính sách và nâng cao vai trò quản lý rủi ro, điều rất dễ xảy ra trong nông nghiệp. Lãnh đạo Unilever VN cho rằng, nhà nước nên tạo hành lang pháp lý, có chính sách phù hợp, làm đường giao thông, thủy lợi, tăng cường vai trò giám sát, hỗ trợ, nghiên cứu và chuyển giao. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp Phát triển nông thôn, điều quan trọng trong liên kết công tư là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và chia đều lợi nhuận vì lợi ích chung, lúc đó mối quan hệ mới vững bền.

 
Theo sggp.org.vn