Liên kết sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập
- Thứ ba - 26/02/2013 20:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng chủ trì hội thảo. Dự án này do Tổ chức Liên minh chiến lược tập thể (CSA) của Bỉ tài trợ về tài chính với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA).
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng thăm mô hình liên kết sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của ND Đại Từ (Thái Nguyên). |
Thụ động trong sản xuất, kinh doanh
Các đại biểu nhận định, nhiều năm qua, các cấp hội đã vận động, tuyên truyền hội viên, ND tham gia các hình thức hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Các mô hình hợp tác rất đa dạng, từ tổ, nhóm ND, tổ hợp tác, HTX… Tuy nhiên, việc vận hành, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hiện nay chưa bài bản, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, phần lớn cán bộ hội ND các cấp thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ cần thiết để hướng dẫn ND phát triển các loại hình kinh tế tập thể...
Theo GS - TS Bùi Quang Toản - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tự nguyện, bên cạnh thiếu kiến thức KHKT, vốn, hiện nay ND và các tổ nhóm ND, HTX còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc lập kế hoạch; tiếp cận thị trường trong sản xuất kinh doanh. Hoạt động rời rạc, thiếu liên kết theo mô hình sản xuất, nhóm ngành hàng nông sản cũng góp phần làm giảm hiệu quả của nhiều HTX, thu nhập của ND bấp bênh...
Bắc Giang là một trong số ít địa phương bước đầu hình thành được vùng nông sản có nhãn mác, thương hiệu như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế. “Có nhãn mác, thương hiệu nhưng tính liên kết trong sản xuất là chưa cao, chưa nhiều, nhất là chưa có khái niệm marketing tập thể”- ông Thân Văn Thi - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang lý giải.
Trang bị kỹ năng tiếp cận thị trường
Ông Lê Xuân Định - Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: “Mục đích của dự án là trang bị cho cán bộ hội NDVN một số công cụ hỗ trợ để sử dụng trong hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn phù hợp với điều kiện ở Việt Nam; hình thành đội ngũ cán bộ tiềm năng để có thể lựa chọn đào tạo thành giảng viên ở các lớp tập huấn dưới cơ sở”.
Trong chương trình của dự án, ông Florante Villas - Giám đốc Chương trình Liên kết ND sản xuất nhỏ với thị trường thuộc AsiaDHRRA - sẽ là người trực tiếp truyền đạt các kiến thức, kỹ năng sử dụng công cụ nâng cao năng lực thị trường. Các cán bộ hội ND cũng sẽ được truyền đạt kiến thức về những công cụ đánh giá và xác định cơ hội trong sản xuất, kinh doanh. TS Nerlita M. Manalili - Giám đốc Chương trình về các giải pháp kinh doanh nông nghiệp thuộc AsiaDHRRA khẳng định: “Năng lực xác định cơ hội đầu tư, nghiên cứu tính khả thi của cơ hội đầu tư là một trong những công cụ mà ND, lãnh đạo các HTX cần có nhằm đảm bảo cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…”.
Phương Đông
Theo danviet.vn