Liên kết tiêu thụ nông sản an toàn: Ở đâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp?

Liên kết tiêu thụ nông sản an toàn: Ở đâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp?
Hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm an toàn được đánh giá là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Liên kết tiêu thụ nông sản an toàn: Ở đâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa: Mạnh Linh-TTXVN

Vẫn còn nhiều khó khăn trong liên kết tiêu thụ nông sản an toàn là nội dung được các đại biểu bàn thảo nhiều tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại nông sản an toàn, chất lượng cao của hợp tác xã trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh ngày 28/12. 

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, thực phẩm an toàn được đánh giá là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Cả nước hiện có 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh thành phố trên cả nước với các sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt và thuỷ sản các loại…. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có cơ hội tiếp cận. 

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Hơn 2 năm nay, UBND tỉnh Long An đã triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi này còn gặp nhiều khó khăn ở khâu phân phối, lưu thông, quảng bá ra thị trường. Việc bố trí điểm bán rau an toàn ở chợ còn gặp khó khăn, địa điểm không thuận lợi nên người tiêu dùng tiếp cận chưa nhiều. 

Đặc biệt, tại các chợ truyền thống, giá bán giữa sản phẩm an toàn và không an toàn không có sự chênh lệch, giá bán sản phẩm an toàn chưa thực sự tương xứng với chi phí và công sức mà các cơ sở đã đầu tư.

Thậm chí, rau an toàn được kiểm soát theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGap còn bị thương lái đánh đồng với rau không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. 

Không chỉ vậy, ngay tại các chuỗi liên kết của Saigon Co.op – đơn vị đảm bảo đầu ra trong chuỗi cũng đang có nhiều vấn đề bất cập.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, hiện đơn vị này đang thực hiện liên kết phân phối nông sản sạch với 20 hợp tác xã để cung cấp nông sản sạch đến người tiêu dùng với sản lượng cung ứng hàng năm lên đến 16.000 tấn, doanh số đạt hơn 310 tỷ đồng. 

Thế nhưng, nguồn cung này lại không ổn định, nhiều lần không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và số lượng. Dù các hợp tác xã này đều có chứng nhận VietGap hoặc cơ sở sản xuất an toàn nhưng hệ thống kiểm soát chất lượng của đơn vị này vẫn phát hiện có tồn dư hóa chất, kháng sinh, vi khuẩn… trong sản phẩm. 

Mặt khác, do năng lực điều hành hoạt động của các hợp tác xã còn nhiều hạn chế nên còn có tình trạng xã viên thích thì tham gia, không thì thôi. Điều này dẫn đến quy mô sản xuất, năng suất sản phẩm không đạt yêu cầu như cam kết trước đó. 

Dưới góc độ của hợp tác xã, bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc HTX Thủy sản Tương Lai (Tp.Hồ Chí Minh), do có quy mô nhỏ, sản lượng khoảng 250-300 tấn/năm nên hợp tác xã khó tham gia các kênh phân phối lớn, vẫn lệ thuộc vào thương lái, tự phân phối nhỏ lẻ, làm cho hợp tác xã khó phát triển lớn hơn. 

Cũng trong điều kiện quy mô nhỏ, hợp tác xã cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề cả về sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm kênh tiêu thụ vào các siêu thị là rất khó khăn. Vì vậy, sản phẩm chủ yếu vẫn phải bán qua các kênh tự do trên thị trường là chính. 

Trước thực tế còn khó khăn, bất cập trong việc tiêu thụ nông sản an toàn ở các chuỗi liên kết, nhiều ý kiến cho rằng, cần hỗ trợ một số đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi các điểm giới thiệu, phân phối, tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn là sản phẩm của các hợp tác xã đã liên kết theo chuỗi; Quy hoạch những vùng chuyên canh chuyên nuôi trồng sản phẩm sạch để kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ những ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại cho xuất khẩu… 

Tham dự diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ những khó khăn mà các hợp tác xã đang đối mặt.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, các hợp tác xã phải tự nỗ lực là chính, phải tận dụng tốt nguồn tín dụng nội bộ kết hợp với việc sản xuất kinh doanh hiệu quả chứ không thể nào trông chờ hết vào Nhà nước. 

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các hợp tác xã, trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai thí điểm việc đưa 400 cán bộ khoa học kỹ thuật về các hợp tác xã.

Điều này sẽ giúp bổ sung nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, hỗ trợ cho các hợp tác xã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm./.

Theo Hứa Chung/bnews.vn