Liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Liên kết sản xuất trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thế nhưng, thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, các mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp đối với nông hộ vẫn còn hết sức lỏng lẻo, dẫn đến nông sản Việt Nam luôn bị lép vế trên thị trường quốc tế.

Theo thống kê ở một số địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp thì tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng bao tiêu, liên kết sản xuất khá thấp. Ðơn cử: Lúa hàng hóa chỉ khoảng 2,1%, cà-phê 2,5%, rau màu 2,9%, chè 9%, thủy sản 13%, chế biến gỗ là 16,7%. Một số mặt hàng khác cao hơn như sữa 49%, mía đường 77,8%, bông hơn 90%... Thế nhưng, tất cả các số liệu nêu trên chưa phản ánh toàn diện

việc liên kết khi tính ràng buộc chặt chẽ của hợp đồng liên kết, tính pháp lý,... hầu như chưa được cụ thể hóa. Hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cao hiện nay được thực hiện chủ yếu ở một số ngành hàng có tính đặc thù, đòi hỏi đầu vào, đầu ra cụ thể, việc bán buôn trên thị trường tự do khó như: mía đường, bông, thuốc lá, sữa. Còn đối với các mặt hàng dễ dàng tiêu thụ trên thị trường tự do thì phần lớn việc liên kết chỉ mang tính hình thức như: lúa hàng hóa, rau màu, thủy sản, chè, cà-phê... Ðáng chú ý hiện có đến 90% số hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia hoặc ít tham gia  tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, giữa người nông dân và doanh nghiệp đang tồn tại nhiều hình thức liên kết trong sản xuất. Trong đó có bốn hình thức chủ yếu là: Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không đầu tư, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Hình thức này, thực chất chỉ là cách làm "ăn xổi, ở thì", sự ràng buộc về trách nhiệm và quyền hạn pháp lý giữa các bên tham gia chưa bền vững. Tiêu biểu cho hình thức này có ngành hàng chè ở Hà Giang; nghề nuôi, chế biến cá tra ở An Giang; hồ tiêu, cà-phê ở Tây Nguyên...

Hình thức thứ hai là doanh nghiệp đầu tư, có tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông dân và bao tiêu sản phẩm. Với mô hình nói trên, doanh nghiệp thường đóng vai trò người thu mua, bao tiêu toàn bộ hàng hóa do nông dân sản xuất ra theo một mức giá sàn do doanh nghiệp đặt ra và có ứng trước vật tư, hướng dẫn quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm... Ðiểm mạnh của mô hình là liên kết tốt giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân làm ra sản phẩm không chỉ có địa chỉ bán nông sản mà còn được doanh nghiệp chia sẻ về chi phí sản xuất, được nâng cao trình độ sản xuất. Doanh nghiệp thật sự đóng vai trò đầu tàu trong mối liên kết. Tuy nhiên, hạn chế mang tính đặc trưng của mô hình này chính là trách nhiệm của hai bên doanh nghiệp - nông dân chỉ dựa trên chữ tín. Hợp đồng dễ bị phá vỡ khi giá cả thị trường biến động. Ðơn cử cho mô hình trên là các mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trồng lúa hay tiêu thụ mía đường, cà-phê...

Mô hình liên kết khác cũng đang được áp dụng tại một số địa phương mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội khả quan là hình thức gia công sản xuất. Doanh nghiệp đảm nhiệm về chi phí vật tư sản xuất bao gồm: Giống, thức ăn, thuốc... Doanh nghiệp chỉ đạo nông dân về thời vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật theo quy trình cụ thể, giám sát dịch bệnh, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nông dân nhận khoán định mức chi phí và một phần chi phí cơ bản đầu tư ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của nông hộ. Hình thức liên kết này mang lại hiệu quả thiết thực khi áp dụng đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương hay Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang khi xây dựng chuỗi liên kết dọc theo phương thức nuôi gia công. Ðây được xem là hình thức liên kết mà nông dân ít phải đầu tư, ít chịu rủi ro nhưng mức hưởng lợi lại rất thấp. Doanh nghiệp thật sự đóng vai trò đầu tàu trong liên kết nhưng lại bất lợi khi kinh tế biến động, nhất là doanh nghiệp gặp khó về vốn... Một hạn chế rất lớn của mô hình này chính là rất ít hộ nông dân có đủ điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn ký hợp đồng và có biểu hiện của lợi ích nhóm khi tiến hành liên kết.

Hình thức liên kết khác đang được người nông dân xây dựng, tuy nhiên, tính điển hình không cao là góp vốn cổ phần vào doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản bằng giá trị quyền sử dụng đất. Ðiểm mạnh của mô hình này là tính hợp tác cao, cùng chia sẻ rủi ro. Thế nhưng, một khi doanh nghiệp bị thua lỗ hay biến động, tài chính không minh bạch thì người nông dân dễ bị thua thiệt.

Chính từ việc phân tích các mô hình trên cho thấy, hiện nay, việc lựa chọn, định hướng, khuyến khích áp dụng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp và nông dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp hiện đại. Trong đó, Nhà nước vừa đóng vai trò người hoạch định vừa đóng vai trò trọng tài với việc nhanh chóng ra đời các văn bản pháp lý, chính sách ưu đãi... quy định ràng buộc rõ ràng, cụ thể tại các hợp đồng liên kết trong từng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cũng cần lựa chọn từng mặt hàng nông sản chiến lược để có lộ trình phát triển các mô hình liên kết phù hợp và giải quyết các phát sinh nếu có. Về phía người nông dân, điều cần nhất là chuyển từ vị trí thụ động, yếu thế trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mình làm ra thành đối trọng ngang hàng, thật sự là người làm chủ hàng hóa cũng như cần quan tâm hơn đến việc tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ðối với doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh nông nghiệp cần chấm dứt tư duy độc quyền, tôn trọng thỏa đáng lợi ích của nông dân nhất là xây dựng tiềm lực mạnh về một mặt hàng, ngành hàng cụ thể để đầu tư, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định. Vấn đề khác cũng cần quan tâm trong tái cơ cấu các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong nông nghiệp hiện nay là nâng cao hơn nữa vai trò các tổ chức, như: Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng... đây là các tổ chức xã hội nghề nghiệp có vai trò gắn kết chặt chẽ trong chiến lược phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế nói chung ở nước ta.

Bảo Trị
Theo  
nhandan.org.vn