Liên kết trong tiêu thụ nông sản: Giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững

Liên kết trong tiêu thụ nông sản: Giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững
Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản đang là một yêu cầu của thực tiễn ngành nông nghiệp hiện nay.

Những năm gần đây, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ nông dân được hình thành. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên hợp tác xã (HTX) và nông dân tham gia liên kết.

Thời gian vừa qua, tại Hà Nội, diện tích rau an toàn được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm toàn thành phố đạt hơn 5 nghìn ha, sản lượng đạt gần 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu của người tiêu dùng. Toàn thành phố hiện có 178 HTX, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó, nhiều HTX, Tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiên sản phẩm với các doanh nghiệp. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn cao hơn sản xuất rau thường từ 10 đến 20% giá trị, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 300 đến 500 triệu/ha, nhiều diện tích đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN và PTNT), trong chuỗi liên kết nông sản an toàn hiện nay, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, quyết định tới sự thành công của chuỗi. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang ngại đầu tư vào lĩnh vực này vì hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tính chất mùa vụ của sản phẩm, chi phí lớn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa đủ mạnh để hỗ trợ chuỗi sản xuất nông sản, nhất là khi có tranh chấp xảy ra trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, thì việc thực thi kết quả phân xử rất khó khăn, do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo “thuận mua vừa bán”.

Với thực tế hiện nay thì mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – HTX – hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi quá trình sản xuất được cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến, công tác bảo quản, sơ chế được quan tâm, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ cho các HTX về kiến thức quản lý, cũng như kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết cùng với các HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây sẽ là hướng đi lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.

Theo Minh Anh/moitruong.net.vn