Liên minh Nông nghiệp: Tháo gỡ nút thắt cho nông dân

Liên minh Nông nghiệp: Tháo gỡ nút thắt cho nông dân
Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (gọi tắt Liên minh Nông nghiệp) vừa mới ra đời nhưng đã có nhiều tiếng nói hay cho ngành sản xuất lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ.
Tuy nhiên, làm thế nào để “miếng bánh” của người nông dân xứng đáng với công sức bỏ ra và hạt gạo Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế thì còn nhiều việc phải bàn.
 
Xuất phát điểm nhóm nghiên cứu
 

Lâu nay, chúng ta đang bàn luận nhiều về vấn đề sản lượng xuất khẩu gạo ngày càng tăng nhưng thu nhập của người nông dân không tăng. Kèm theo đó là đất trồng bị thoái hóa và ô nhiễm môi trường do bón quá nhiều phân hóa học, canh tác liên tục 3vụ/năm khiến ruộng đồng không được nghỉ ngơi.
 
Vì quá chú trọng tăng số lượng xuất khẩu dẫn đến chất lượng gạo không cao, thị trường xuất khẩu gạo tập trung ở phân đoạn thấp, không đa dạng và đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc. Khi thị trường này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo, đặc biệt là người nông dân.
 
Từ thực trạng đó, những nhà hoạch định chính sách đã có đồng thuận chung: Ngành lúa gạo Việt Nam cần chuyển dịch sang sản xuất các loại gạo có chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; cung ứng gạo chất lượng cao cho thị trường trong nước. Dù là giải pháp nào cũng phải dựa vào các lực lượng của thị trường và có tính định hướng mới bền vững được.
 
Các nghiên cứu của Liên minh bắt đầu bằng việc khảo sát thị trường thế giới, đồng thời đi sâu phân tích cấu trúc 2 thị trường lúa gạo lớn là Ấn Độ và Thái Lan. Trong đó Ấn Độ được xem như 1 nước mới thành công trong việc cải cách và trở thành nước xuất khẩu gạo quan trọng; Thái Lan là nước có bề dày sản xuất và xuất khẩu gạo quy mô toàn cầu. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã chọn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để khảo sát, đề xuất một số tầm nhìn chính sách và lựa chọn chính sách để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam xứng tầm thế giới. Đồng thời, tạo điều kiện để người sản xuất lúa đặc biệt là nông dân nhỏ có thể cải thiện điều kiện sản xuất hoặc chuyển đổi sang loại hình khác hiệu quả hơn, nhằm cải thiện sinh kế một cách bền vững.
 
Nhìn ra thế giới, trong 5 thập kỷ trở lại đây, diện tích canh tác lúa tăng chưa đến 5% nhưng sản lượng tăng 200%. Đa phần các quốc gia sản xuất lúa để phục vụ nhu cầu nội địa là chính, xuất khẩu là phụ. Việc xuất - nhập  khẩu do tư nhân đảm nhận. Ở Việt Nam ngược lại, sản xuất gạo để xuất khẩu là chính, việc xuất khẩu do Nhà nước đảm nhận. 
 
Hiện, thị trường xuất khẩu gạo thế giới rơi vào các nước: Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan chiếm trên 71%. Ấn Độ là nước có chính sách xuất - nhập khẩu gạo khá độc đáo: Xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao thu về ngoại tệ lớn và nhập khẩu gạo trung bình để đáp ứng nhu cầu người nghèo. Các nước nhập khẩu chính: Trung Quốc, Nigieria, Iran, Indonexia. Mỗi quốc gia lại có thị trường xuất khẩu riêng của mình và cạnh tranh với thị trường khác. Thái Lan, Việt Nam xuất khẩu nhiều tại châu Á, Thái Lan còn có khả năng thâm nhập thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Canada. Trong khi thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc, ASEAN; châu Phi (Nam Phi, Cote d’Ivoice)
 
Tuy nhiên, gần đây vai trò xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp lớn có xu hướng giảm, nhường chỗ cho doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ trong thị trường đầy biến động này. Áp lực cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo trên thế giới cũng ngày càng tăng cao, hiện có khoảng 50 loại giá quốc tế cho các chủng loại gạo khác nhau. Mặt khác, xu hướng tự cung cấp lúa gạo tại các nước nhập khẩu ngày càng rõ nét. Đây chính là điều mà những nước xuất khẩu gạo cần quan tâm.              
     
“Nằm giữa mất phần chăn”
 
Có thể chia những người sản xuất lúa gạo ĐBSCL thành 2 nhóm: Một số  có trang trại nhỏ sản xuất lúa tập trung (chiếm khoảng 2-3% sản lượng bán ra ở ĐBSCL) họ trồng và bán trực tiếp lúa chất lượng cao cho các công ty xuất khẩu, thu được lợi nhuận cao nhưng phải đầu tư kỹ thuật lớn. Còn lại là đa số nông hộ nhỏ, họ bán tới 93% lúa tươi tại ruộng cho thương lái.
 
Ông Trương Văn Tài, 1 nông dân có 2ha lúa ở xã An Hòa, Châu Thành (An Giang) cùng đến tham dự hội thảo cho biết: “Tôi thường sản xuất 2- 3vụ/năm, sở dĩ sản lượng lúa ngày càng tăng nhưng lãi ngày càng ít, do giá đầu vào tăng theo cơ chế thị trường, nhưng giá lúa không tăng theo thị trường. Nông dân mua phân bón thuốc trừ sâu giá thị trường, nhưng khi thu hoạch phải bán theo giá thương lái. Chúng tôi mua đắt, bán rẻ, “nằm giữa mất phần chăn” là vì vậy. Mùa gặt là cơ hội để họ ép giá nông dân vì chúng tôi làm sao lo được khâu phơi, sấy và kho bãi. Theo tôi, doanh nghiệp nên đứng vào chỗ thương lái, không có thương lái nông dân sẽ được hưởng “miếng bánh” này. Doanh nghiệp và nông dân nên bắt tay với nhau. Họ lo cho chúng tôi đầu vào, đầu ra để có ràng buộc giữa 2 bên. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải liên kết với nhau ví như: Đơn vị lo khâu sản xuất, thu hoạch phải hợp tác với đơn vị phơi, sấy, xay xát, chế biến, để giảm giá thành sản phẩm, có như vậy mới hỗ trợ được nông dân. Nếu cứ để thương lái lũng đoạn thị trường, không ngó ngàng gì đến nông dân như hiện nay thì chúng tôi không bao giờ thắng lớn trên cánh đồng của mình”.
 
Ông Tài còn cho biết thêm: “Chúng ta xuất khẩu gạo nhiều, nhưng không thu được ngoại tệ cao do có quá nhiều giống lúa phẩm cấp thấp, hạt không đều nhau gieo cấy trên đồng ruộng. Khi xay xát bị vỡ nhiều, lượng tấm cao, khiến giá thành hạ. Gạo chúng ta còn bón quá nhiều phân hóa học, lúa gạo sinh học rất ít. Thời gian tới nếu có nhiều giống lúa thơm để sản xuất, chắc chắn chúng tôi sẽ lựa chọn. Nay, nông dân ĐBSCL sản xuất lúa 10 triệu tấn/năm, được vinh danh nông dân giỏi, nhưng lúa bán không được nên chúng tôi vẫn không vui, không cảm thấy tự hào. Thực sự chúng tôi ham tiền, không ham lúa, sống ở vựa lúa mà nông dân không giàu, như vậy chưa phải là nông dân giỏi”.
 
Tranh cãi chưa ngã ngũ  
 
Để miếng bánh người nông dân to hơn đã có nhiều tiếng nói, kiến nghị, đề xuất, và cả những tranh cãi chưa ngã ngũ cho Chính phủ trên bàn hội nghị. Ví như, có nên nhìn xuất khẩu như một mũi nhọn không, trong khi ta không có quá nhiều để xuất khẩu. Nhất là con số trên 100 triệu dân dùng gạo chất lượng cao trong nước thời gian tới có đáng để chúng ta lưu tâm không. Đặc biệt là phải minh bạch vai trò nhà nước trong sản xuất lúa gạo; thị trường can thiệp khâu nào; Nhà nước, địa phương khâu nào phải làm rõ. Ở các nước như Philippine, Thái Lan, Đài Loan, nhất là Malaysia họ kiểm soát thương lái rất chặt. Không phải ai muốn làm thương lái cũng được mà phải đăng ký với nhiều cam kết chặt chẽ, trong khi Nhà nước ta thả lỏng khâu này.
 
Hoặc, vẫn còn nhiều điều chưa ngã ngũ như: Có nên tiếp tục trợ cấp gạo Việt Nam cho người nước ngoài không. Trong khi ý kiến khác cho rằng, vậy thì người Việt Nam ăn thịt bò Mỹ, có phải người Mỹ cũng đang trợ cấp cho người tiêu dùng Việt Nam không. Nếu chúng ta bàn “thủng” vấn đề lúa gạo sẽ áp dụng được cho nhiều mặt hàng khác như: Gia súc, gia cầm, cá tra, cà phê, cây ăn trái…
Đã có nhiều tiếng nói đồng tình nên tìm cái xuất khẩu thay gạo như chú  trọng cây vụ đông. Vấn đề hạn điền, làm sao để đưa 3,8 triệu ha đất lúa xuống còn 3 triệu ha vẫn còn nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng:  phải đi từ nông dân, do nông dân lựa chọn việc chuyển đổi. Song cũng có ý kiến: Chưa chứng minh được chuyển đổi có bớt rủi ro không, hay lại kém hơn. Rõ ràng, đây vẫn là những vấn đề phải tiếp tục bàn cãi, mổ xẻ.
 
Tuy nhiên, đa phần đều thống nhất cái mà Nhà nước phải lo cho dân là: Giống, công nghệ, thuốc trừ sâu và muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đi thẳng vào vấn đề hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nay nông dân không được trợ cấp đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu) trong khi đầu ra bị chi phối bởi các nhà xuất khẩu, vô hình chung nông dân bị ép vào giữa. Đây chính là lý do để họ bỏ ruộng, bỏ quê. Đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ nông dân, nhưng cách làm vừa qua đang rơi vào túi doanh nghiệp, thay vì hỗ trợ nông dân như mục đích của chúng ta đề ra.
 
Một ý kiến khác của Liên minh là: Chính sách lúa gạo Việt Nam hiện có bị thao túng bởi 1 số doanh nghiệp xuất khẩu hay không. Ví như Vinafood 2 xuất khẩu: 34,37%; Vinafood 1: 6,34% là 2 đơn vị chiếm thị phần cao nhất trong việc xuất khẩu gạo. Hoặc, VFA có thực sự đại diện cho lợi ích ngành lúa gạo Việt Nam không?. Cần phân biệt giữa lúa gạo thương mại và lúa gạo dự trữ; định hướng lại Vinafood theo hướng thiên về thực hiện chính sách, chỉ thực hiện điều phối và giám sát. Giảm vai trò thương mại, nhường chỗ cho doanh nghiệp thuộc các thành phần khác. Tổ chức lại VFA để đảm bảo Hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân trong thương mại lúa gạo. VFA phải nhanh nhạy trong theo dõi thị trường thế giới, có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi doanh nghiệp và nông dân.
 
Cuối cùng, cần thay đổi cấu trúc quản lý, trong đó doanh nghiệp tư nhân và người nông dân sản xuất quy mô lớn chiếm ưu thế trong tương lại. Bãi bỏ thuế VAT với gạo trong nước tạo công bằng với gạo xuất khẩu. Nới lỏng điều kiện trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo nghị Định 109, để khuyến khích họ xuất khẩu các loại gạo đặc sản, tuy sản lượng chưa lớn nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh cao. Cân nhắc khi đầu tư thủy lợi, hạ tầng, tiến tới tính vào giá thành sản phẩm lúa. Thúc đẩy phát triển các loại cây trồng có giá trị hơn cây lúa. Nới lỏng hạn điền tich tụ đât trồng lúa; có cơ chế bảo hiểm cho nông dân đặc biệt nông dân  nhỏ.
 
Theo ông Trương Quốc Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững: “Sản xuất lúa gạo Việt Nam đang bị chạy theo xuất khẩu, chưa có quy hoạch thị trường nội địa. Cần xem lại trợ cấp cho người nông dân, vì không phải riêng ta, ở châu Âu, nông dân vẫn được trợ cấp. Nay phải làm rõ: Chúng ta đang trợ cấp cho doanh nghiệp hay cho nông dân, hay cho xuất khẩu. Nhà nước hỗ trợ nông dân giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhưng rơi vào tay ai, nông dân chưa được nhận trợ cấp đó. Chúng tôi biết, 1kg lúa lai được bán cho 4 tỉnh khác nhau để nhận tiền trợ cấp Chính phủ. Hiện, nông dân chưa được tham gia vào chuỗi sản xuất, vào 1 thể chế tốt hơn để phát triển bền vững. Những nghiên cứu của Liên minh cho người nông dân cần thận trọng để không bị ảnh hưởng ngược trở lại”.                    
 
Được biết, sắp tới Ngành Nông nghiệp sẽ họp bàn tái cơ cấu ngành, xin được trích câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Với tất cả cố gắng và yêu thương của chúng ta dành cho nông dân, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua khó khăn này”.
 
nguồn: kinhtenongthon.com.vn