Lo cho người nghèo bằng cái tâm

Lại một cái Tết sắp về. Trong khi những người có mức sống dư dả đang nghĩ cách tiêu tiền, họ đau đầu với những dự định ăn gì, chơi đâu cho hết kỳ nghỉ Tết, thì cũng có một bộ phận không nhỏ người nghèo cảm thấy... sợ khi Tết đang đến ngày một gần. Cuộc sống khó khăn, lo chạy ăn chạy mặc từng bữa còn méo mặt, nói gì đến thú ăn chơi ngày Tết. Xã hội phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, thì nỗi lo Tết đến của người nghèo cũng nặng gánh hơn bội phần.
Người nghèo mưu sinh trong giá rét Ảnh: T.L
Trong mọi trường hợp, hoàn cảnh, người nghèo luôn là nạn nhân. Thời tiết lạnh giá cắt da cắt thịt, hoặc nắng nóng lên tới gần 40oC, trong khi nhiều người có máy sưởi, có điều hòa, thì người nghèo vẫn phải oằn lưng kiếm sống. Học phí, viện phí tăng vọt, người nghèo cũng là đối tượng chịu thiệt thòi. Chỉ vì không có tiền chữa chạy mà mà người nghèo đành cam lòng nhìn người thân phải chờ chết. Kinh tế suy thoái, bất động sản, chứng khoán èo uột, kéo theo hàng loạt những hệ lụy dây chuyền khác, người lao động nghèo cũng là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng...
 
Những ngày cận kề Tết Quý Tỵ này, một lần nữa câu chuyện giảm nghèo nhanh và bền vững lại trở thành mối quan tâm của xã hội. Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo cũng cho hay, năm 2012 mục tiêu giảm nghèo đã không giảm xuống được 2% như đã đặt ra. Theo ông, kết quả giảm nghèo phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển KT-XH của đất nước. Năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, mục tiêu lao động- việc làm không đạt được, dẫn đến đời sống người lao động bấp bênh, thu nhập người nghèo không bảo đảm... 
 
Hơn 27 ngàn tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 không phải là số tiền nhỏ. Ở giai đoạn trước, từ 2006- 2010, kinh phí giảm nghèo vào khoảng trên 17 ngàn tỉ đồng. Nếu làm một phép so sánh thì giai đoạn này, kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tăng đáng kể, bình quân tăng hơn 3.290 tỷ đồng/ năm  (không kể nguồn vốn tín dụng cho người nghèo). Nhưng tiền tăng liệu tỷ lệ hộ nghèo có giảm? Công cuộc giảm nghèo nhanh có thực sự bền vững hay không, khi mà ngay cả việc bình chọn hộ nghèo hiện nay cũng không công bằng. Ở rất nhiều làng quê, để được vào danh sách hộ nghèo- kèm theo đó là một số ưu đãi của Chính phủ - thì đối tượng phải là người thân của lãnh đạo thôn, xã... Trái khoáy ở chỗ nước luôn chảy vào chỗ trũng, người giàu lại được nhận tiền hỗ trợ dành cho người nghèo.
 
"Cho cần câu, chứ không cho xâu cá” cũng là phương châm để tiến tới giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhưng có lẽ nhiều năm qua, người ta vẫn loay hoay không phân biệt rõ người nghèo đang được nhận  "xâu cá” hay "cần câu”. Vì thế nên xóa mãi, xóa hoài mà nghèo vẫn hoàn nghèo...Đã gọi là giảm nghèo bền vững thì thành quả phải lâu dài, đằng này, vừa thoát nghèo nhưng tất cả những hộ nghèo ấy lại ngay lập tức trở thành đối tượng "cận nghèo”, đứng chênh vênh bên dòng xoáy trồi sụt của sự phát triển kinh tế- xã hội. Và cho dù xóa đói giảm nghèo đã trở thành quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, thì thành tựu thoát nghèo nhanh và bền vững vẫn đang là một ước mơ xa xỉ.
 
Ở một góc độ khác, là việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo trong những thời điểm nhất định. Thật tội cho người nghèo, ở những  nơi thiên tai vừa qua đi, nhu cầu ăn uống để tồn tại được coi là bức thiết nhất với con người. Vậy mà gạo, mì tôm, nước uống, quần áo hỗ trợ người nghèo cũng bị "om” đến mốc trong kho; hay tiền Tết của người nghèo bị xà xẻo ăn chặn bởi những lãnh đạo xã, phường vô lương. Thậm chí cả cán bộ Hội chữ thập Đỏ của một địa phương nọ cũng ăn chặn hơn trăm ngàn đồng trong mỗi suất quà Tết cho người nghèo... Những câu chuyện này vẫn là bài học mới trong việc chăm lo, giúp đỡ người nghèo xuất phát từ cái tâm của mỗi người. 
 
 Năm nào cũng vậy, trước mỗi dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đều có công văn yêu cầu Bộ LĐTB&XH, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chăm lo cho người nghèo, để người Việt Nam nào cũng có cái Tết cổ truyền đầm ấm sum vầy. Đây là một trong những nội dung được cụ thể hóa trong chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Và mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã có yêu cầu các sở ban ngành trên địa bàn dừng mua sắm công trong quý I/2013 để lo Tết cho hộ nghèo. 
 
Hoan nghênh TP Hải Phòng, nhưng giá như việc chăm lo cho người nghèo được thực hiện thường xuyên và liên tục; người nghèo- nhóm yếu thế trong xã hội cần nhận được sự quan tâm đồng bộ trên mọi lĩnh vực như y tế, giáo dục, đời sống, văn hóa tinh thần...chứ không phải là những quan tâm hình thức, trong một thời điểm cụ thể như dịp Tết này, để lãnh đạo ghi điểm, báo cáo thành tích. Với người nghèo thì vài chục ngàn đồng nghĩa tình  trong những ngày Tết cũng là quý lắm. Có lẽ việc tạm dừng lại những chi tiêu công, mua sắm công tiền tỷ, thậm chí là vài trăm tỷ với chuyện lo Tết cho người nghèo - là hai vấn đề khác nhau rõ rệt, chí ít là ở thời điểm này.
 
Để câu chuyện về người nghèo không còn là nỗi trăn trở của xã hội, cùng với việc chăm lo cho họ bằng cái tâm của mỗi người, xã hội cũng đang kỳ vọng nhiều vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Nếu công cuộc này đạt được mục tiêu đã định, thì với người dân  ngày nào cũng .... vui như Tết.
Hương Lê
http://daidoanket.vn