Lo lắng khi nhận chìm gần 1 triệu mét khối bùn thải xuống biển
- Chủ nhật - 23/07/2017 21:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Liệu đã đúng quy trình?
Theo giấy phép của Bộ TN-MT, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm hơn 918.500 m3 vật chất nạo vét, gồm: 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi... thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chở than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Số vật chất đó phải đảm bảo không có chất phóng xạ, chất độc hại vượt quá quy chuẩn Việt Nam.
Đơn vị thi công sẽ dùng sà lan dạng phễu chở vật chất nạo vét nhấn chìm bằng hình thức mở đáy, đồng thời sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm phát tán ra môi trường. Khu vực nhận chìm rộng 30ha, nằm cách Khu bảo tồn Hòn Cau 8km. Thời gian nhận chìm được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10, vào thời điểm có gió mùa Tây Nam để vật chất nhận chìm không phát tán về hướng Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh Bình Thuận cho biết phải thực hiện việc nhận chìm vì không thể vận chuyển khối lượng lớn vật chất nạo vét từ biển ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ lên bờ. Nếu như thế sẽ làm nhiễm mặn một vùng diện tích rộng lớn và gây ô nhiễm môi trường trên đất liền ở huyện Tuy Phong. Do đó, việc cấp phép cho nhận chìm ở biển Vĩnh Tân là điều tất yếu.
Thứ trưởng Bộ TN – MT Nguyễn Linh Ngọc cũng khẳng định: Quá trình thực hiện sẽ được giám sát, quan trắc chặt chẽ bởi đơn vị độc lập là Viện Hải dương học có sự tham gia của Bộ, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, cho rằng: Chúng ta có luật nhưng luật không rõ ràng nên ai hiểu và vận dụng như thế nào cũng được. Chính vì vậy mà họ giải thích kiểu nào nghe cũng hợp lý. Cụ thể hoạt động nhận chìm sẽ gây tác động đến môi trường như thế nào thì báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không nói mà chỉ chứng minh các vật chất đó không gây ô nhiễm là không đúng.
Phân tích kỹ hơn, TS. Chu Hồi cho biết, theo thông lệ quốc tế nếu nhận chìm thì chất thải phải được đóng gói, thùng, túi… nếu là những chất độc nguy hại phải được đóng hộp chì và được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi nhận chìm. Khu vực biển chứa chất được nhận chìm phải có bờ bao để tránh bị các dòng hải lưu di chuyển nó đi nơi khác. Độ sâu phải được tính bằng độ sâu của bước sóng lớn nhất ở chính vùng đổ thải. Và độ sâu của biển phải tính bằng độ cao cao nhất của đỉnh đổ thải chứ không phải độ sâu của đáy biển hiện tại. Vì khi xả thải trong mùa yên tĩnh đến mùa không yên tĩnh sẽ phát tán đi. Bên cạnh đó phải trả lời các vấn đề là xả thải này chỉ một lần hay nhiều lần và mỗi lần bao nhiêu? "Nhận thức về độ sâu xả thải của ĐTM và Bộ TN-MT là chưa đúng. "Anh" đổ vào mùa yên tĩnh chẳng qua để cho nó an toàn cho chính phương tiện xả thải của các anh. Cứ xả ra như vậy thì với quy trình hiện nay không thể giám sát được", ông ngao ngán.
Dự án Nhà máy nhiệt điện vĩnh Tân.
Mạo danh các nhà khoa học để được cấp phép
Trong hồ sơ trình Bộ TN-MT cấp phép của đơn vị tư vấn có tên rất nhiều các khoa học, chuyên gia trong hội đồng thẩm định, tuy nhiên, đến nay đã có 3 nhà khoa học lên tiếng cho rằng mình bị mạo danh, đưa tên vào danh sách những người tham gia thực hiện dự án.
Người đầu tiên lên tiếng là TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam. Ngoài ra, có 2 người khác là Thạc sĩ môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) và Thạc sĩ công trình biển Lê Thị Vân Linh (Viện Kỹ thuật biển) cũng lên tiếng xác nhận bị lợi dụng tên tuổi trong hồ sơ dự án nói trên.
TSKH Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học - khẳng định ông không hề tham gia dự án này. “Đó là một sự dối trá chưa từng thấy đối với hoạt động khoa học ở Việt Nam, tôi không nghĩ người ta có thể làm những chuyện quá sức tưởng tượng như vậy. Đó là một tiền lệ xấu” - ông An nói, đồng thời nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, một khi hồ sơ đã làm giả thì phải hủy hồ sơ đó. Còn giấy phép đã cấp căn cứ theo hồ sơ giả đó thì cũng phải bị thu hồi. Điện là cần thiết nhưng không thể đánh đổi tất cả để lấy điện”. Đối với dự án “nhận chìm” đã được cấp phép, ông An đồng tình với kiến nghị của nhiều nhà khoa học khác, đề nghị Bộ TN - MT tạm dừng triển khai thực hiện dự án đã cấp phép đó để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Trong khi đó, ông Hà Quốc Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam - đơn vị tư vấn cho dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận), cho hay dự án này trước đây do Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam và Trung tâm dịch vụ Tài nguyên Môi trường biển làm tư vấn. Dự án này được phía công ty ông Hà Quốc Quân "kế thừa" và tiếp tục thời hiện vào khoảng năm 2016.
Đối với danh sách các nhà khoa học có trong hồ sơ tư vấn, ông Quân cho biết khi ông nhận lại dự án thì đã có tên các nhà khoa học và cũng chưa hề gặp các nhà khoa học này. Hơn nữa, ông cho rằng bản thân phía ông chỉ là người kế thừa nên "không thể bỏ tên các nhà khoa học đi vì mình phải tôn trọng người ta".
Ông Quân thông tin thêm rằng Chủ nhiệm dự án này là ông Phạm Hồng Hạnh chịu trách nhiệm về hồ sơ và trình Bộ TN-MT. Bản thân ông Quân "chỉ là người quản lý chung".
Một cán bộ thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Nói về nguyên tắc, khi thực hiện dự án, Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phải thuê một nhà tư vấn đủ năng lực để xây dựng báo cáo thẩm định và đơn vị tư vấn đó phải chịu trách nhiệm trước đối tác (tức Vĩnh Tân 1) cũng như phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Bộ TN-MT không quản lý việc này. "Bộ chỉ cần biết khi nộp hồ sơ, có một cái báo cáo như thế, có đơn vị tư vấn đủ năng lực làm báo cáo này. Danh sách các nhà khoa học tham gia thì bộ không phê duyệt. Nếu thấy nội dung phù hợp, đơn vị lập báo cáo đủ năng lực thì bộ mới cấp phép"- vị này nói.
Giải thích rõ thêm về quy trình, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay hiện nay để được phép đổ bùn nạo vét xuống biển thì cần 2 giấy phép. Giấy phép thứ nhất là giấy phép "cho phép nhận chìm". Giấy phép thứ 2 là "quyết định trao vùng biển". Khi quyết định nhận chìm đã có nhưng quyết định trao vùng biển chưa có thì không nhận chìm được. "Cấp giấy phép nhận chìm rồi nhưng điều kiện kèm theo phải là khảo sát môi trường nền. Hiện Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát lại", ông nói.
Đối diện nguy cơ thiếu điện?
Theo TS.Vũ Thanh Ca, thành viên Nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hợp quốc: “Nếu ta quản lý tốt thì khối lượng vật liệu nhận chìm sẽ không ảnh hưởng gì tới khu bảo tồn Hòn Cau. Các điều tra, khảo sát hiện trường được trình bày trong báo cáo nhận chìm mà tôi được biết cho thấy khu vực nhận chìm chủ yếu là nền cát và có rất ít sinh vật sinh sống”.
Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận thì cho rằng: “Cần có những chuyên gia phân tích cho đầy đủ những thông tin về mặt hiện trạng của khu vực nhận chìm cũng như các giải pháp phù hợp”.
Trong khi chờ các nhà khoa học đưa ra ý kiến khách quan thì Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang có nguy cơ không kịp đưa vào vận hành thương mại vào cuối năm nay như kế hoạch. Hiện Nhà máy đang rất cần phương án xử lý 2,4 triệu mét khối chất nạo vét bến cho tàu than 100 nghìn tấn cập cảng. Nếu không xây dựng được các cầu cảng và các luồng tuyến để đưa tàu chở than vào thì sẽ thiếu than và sẽ không vận hành được các nhà máy. Khi đó miền Nam sẽ thiếu điện, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, vẫn còn một số giải pháp để xử lý khối lượng nạo vét nhưng chi phí sẽ lớn hơn nhiều phương pháp nhận chìm. Ông Hồ Lâm nhấn mạnh: “Khu vực bờ biển của Trung tâm nhiệt điện hiện có tình trạng sạt lở, nếu chúng ta đầu tư xây kè và đưa các vật chất nạo vét này vào đó thì vừa đảm bảo được môi trường biển, vừa xử lý được khối lượng nạo vét, vừa có mặt bằng ổn định khu vực biển”.
Với 5 nhà máy có công suất 6.200MW, khi đi vào vận hành, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng điện cho miền Nam. Nếu không nhanh chóng có phương án xử lý chất nạo vét bến cảng để vận chuyển nhiên liệu cho các nhà máy này hoạt động, việc cấp điện cho miền Nam khó thực hiện được như lộ trình trong quy hoạch điện 7 đã được Chính phủ phê duyệt.
Các bộ nói gì?
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, hiện tại, Viện Hải dương học Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cơ quan chuyên môn nghiên cứu về hải dương và vấn đề các hệ sinh thái hải dương đang khẩn trương triển khai việc quan trắc, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép để nhận chìm. “Bộ TN-MT đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép nhận chìm của Viện Hải dương học để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh - “Nhân dịp này, Bộ sẽ kiểm chứng lại toàn bộ số liệu khảo sát, đánh giá của chủ đầu tư liên quan đến đa dạng sinh học và các vấn đề liên quan khác. Khi và chỉ khi có báo cáo kết quả của Viện Hải dương học, lúc đó Bộ mới có quyết định có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, theo đề xuất của Bộ TN-MT, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức rà soát lại các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nhận chìm.
Nói về giấy phép đang gây nhiều tranh cãi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích: “Bây giờ mọi người hiểu khi được cấp phép, doanh nghiệp có thể triển khai ngay các hoạt động nhận chìm là chưa đúng. Theo quy định của Luật biển Việt Nam, để tiến hành hoạt động nhận chìm ở biển sau khi được cấp Giấy phép, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải được Bộ TN&MT giao khu vực biển để nhận chìm. Trong giai đoạn này, Giấy phép nhận chìm ở biển đã cấp chỉ là căn cứ để Chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, thực hiện công tác chuẩn bị cho nhận chìm; là căn cứ để cơ quan giám sát độc lập thực hiện các hoạt động khảo sát môi trường nền, kiểm tra lại các số liệu, mô hình trong báo cáo để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định việc giao khu vực biển”.
Còn về phía Bộ Công Thương, Bộ này đã thành lập Tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp để xác minh thông tin một số báo chí về việc ông Hà Quốc Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong thời gian trong khi đang là viên chức tại Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp.
Theo kết quả buổi làm việc sơ bộ của Tổ công tác, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam là vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
"Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp tiến hành việc kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định", Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ tiến hành kiểm tra, rà soát đồng thời tăng cường công tác quản lý cán bộ. Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lời kết
Trong quan điểm kinh doanh hiện đại, người ta chuộng tư duy cùng thắng (win-win), nghĩa là hài hòa lợi ích đôi bên. Có lẽ trong câu chuyện này cũng cần một tư duy như thế: làm sao vừa đảm bảo môi trường sinh thái biển, vừa đảm bảo hoạt động của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, bởi cả 2 đều cần thiết, quan trọng như nhau, không thể chọn một. Mong rằng sẽ sớm có giải pháp phù hợp nhất để câu chuyện về nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ làm tiền đề, mở ra một tư duy mới trong quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với gìn giữ môi trường.
Nguyễn Tố (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn