Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, 7 tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá cả có xu hướng ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm, CPI tăng 3,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%). Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Trong sản xuất nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa mùa cả nước năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn có tín hiệu khả quan, giá thịt lợn hơi những tháng gần đây đã tăng, có thời điểm lên tới 42.000-45.000 đồng/kg.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 7 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, IIP toàn ngành tăng 6,5% vẫn thấp hơn cùng kỳ (tăng 7,2%). 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.248,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,7%, cao hơn cùng kỳ (8,4%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 18,7%; nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 18,1%; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 39,4%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Như vậy, nhập siêu 7 tháng khoảng 3,08 tỷ USD, chiếm 2,67% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong phạm vi mục tiêu được Quốc hội thông qua (dưới 3,5%).

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có thêm gần 73.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 690.000 tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Bên cạnh đó còn có khoảng 17,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 7 tháng lên khoảng 90,5 nghìn doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2017. Ảnh: TTXVN 

Vốn cho nền kinh tế khá dồi dào

Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức khá, tính chung 7 tháng ước đạt 8,92% so với cuối năm 2016, cao hơn so với các năm gần đây. Thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ số VN Index đạt mức cao.

Thu chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng được tiến độ dự toán đề ra. Tính đến hết tháng 7-2017, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 666,7 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 695,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong tháng 7 đã được đẩy lên, nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu. Ước giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN đến hết tháng 7 đạt 38,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với 33,4% dự toán được Quốc hội thông qua.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 7 tháng đầu năm tăng mạnh. Tổng vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần 7 tháng đầu năm ước đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ. Ước giải ngân 7 tháng đạt 9 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, điều hành vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ đang ổn định, đi đúng hướng. Vừa qua, Bộ Tài chính phát hành thành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài đến 30 năm, với lãi suất không cao, chứng tỏ độ tin cậy của nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Tín dụng thời gian qua tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như nông nghiệp công nghệ cao; chế biến, chế tạo. Mặc dù 7 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam nhập siêu 3,08 tỷ USD nhưng không gây ra khan hiếm USD. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 3,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, đó là do việc giải ngân vốn FDI tốt, và các khoản thu từ du lịch đã hỗ trợ rất nhiều cho cân đối ngoại tệ.

Hệ thống ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất từ ngày 10-7, với mức độ giảm từ 0,5 đến 1%. Như vậy, lợi nhuận cận biên của ngành ngân hàng chỉ còn 2,5%, đã thấp nhất trong các nước trong khu vực, khó có thể giảm lãi suất thêm nữa. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, năm nay hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng tín dụng từ 18-20%.

Tính phương án hợp lý trong việc xử lý các dự án thua lỗ

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc xử lý 12 dự án thua lỗ thời gian qua đã có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên, một số dự án cần được tính toán để có các xử lý phù hợp, tránh lãng phí. Cụ thể như đối với hai nhà máy sản xuất ethanol, theo lộ trình tới đầu năm 2018, xăng ethanol sẽ được bán đại trà trên phạm vi cả nước. Vì vậy, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị, Chính phủ xem xét có thể đầu tư một số vốn nhất định để tái khởi động hai nhà máy sản xuất ethanol nói trên, tránh để lãng phí. 

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ sẽ xem xét tính toán kỹ lưỡng các khía cạnh, mục tiêu đặt ra là tính hiệu quả. Vì vậy, cũng không loại trừ khả năng bán lại hai nhà máy trên cho tư nhân tiếp tục vận hành.

Nói đến các vấn đề của ngành Công Thương, Thủ tướng cho rằng, ngành khai khoáng giảm 7,5%, là một vấn đề lớn đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bởi vì khai thác một triệu tấn dầu sẽ đóng góp vào 0,25% GDP, trong khi đó sản lượng khai thác dầu đang giảm, chỉ có thể đạt hơn 13 triệu tấn dầu, trong khi lúc đỉnh điểm là 17 triệu tấn. “Đó là một thách thức không nhỏ cho việc điều hành của Chính phủ”, Thủ tướng nói. Dự kiến, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để tìm giải pháp cho việc nâng sản lượng khai thác dầu khí.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ cấp cơ sở

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng qua đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế, trong số đó là môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn những khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn cao, vẫn là gánh nặng. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, hệ thống hành chính ở cấp cơ sở như sở, quận/huyện, xã/phường còn chuyển biến chậm trong cải cách thủ tục hành chính, trong việc thể hiện tinh thần phục vụ, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thực hiện một số chủ trương còn chậm.  

Thủ tướng hoan nghênh việc vừa qua, UBND TP Hà Nội đình chỉ công tác Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu vì những chậm trễ trong cấp giấy chứng tử cho người dân. Thủ tướng chỉ đạo, chính quyền ở cấp cơ sở cần phải tiếp tục thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao nhận thức cán bộ trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ đó góp phần củng cố niềm tin đối với xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phấn đấu để năm nay vốn đầu tư xã hội phải đạt 34-35% GDP. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh việc minh bạch thông tin. “Chỉ trừ các vấn đề liên quan đến quốc phòng-an ninh, còn thì phải công khai minh bạch mọi vấn đề cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý phải có giải pháp để khuyến khích chuyển dần 5 triệu hộ cá thể sang thành doanh nghiệp. Cùng với đó là cần đẩy mạnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cổ phần hóa còn làm chậm, kế hoạch đề ra năm nay là sẽ cổ phần hóa được lượng doanh nghiệp với tổng số vốn là 65.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay mới thực hiện được hơn 10.000 tỷ đồng.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tính toán lại các kịch bản tăng trưởng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017. Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời phải tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng thể chế để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Các vướng mắc liên quan đến tích tụ ruộng đất, giải ngân vốn ODA cần được tập trung tháo gỡ.

Trong phiên họp Chính phủ tháng 7-2017, cùng với việc thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ còn thảo luận một số vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế như Dự án Luật An ninh mạng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa... Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã báo cáo tóm tắt về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.