"Lối ra" bền vững cho nông sản

"Lối ra" bền vững cho nông sản
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong năm tháng đầu năm vẫn đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của ngành lại sụt giảm tới 18%. Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh lại cao; xu hướng các nước hiện đang tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu...

 

Ðã tới lúc bỏ tư duy trông chờ vào thị trường xuất khẩu, nhất là một vài thị trường truyền thống mà cần phải tìm giải pháp khai thông, kích cầu thị trường nội địa, nhằm chủ động trong việc điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng "được mùa, rớt giá" vẫn thường xuyên diễn ra đối với các loại nông sản, nhất là mặt hàng tươi sống. Kinh nghiệm các nước cho thấy, muốn cạnh tranh tốt để xuất khẩu, trước hết phải cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu phải dựa vào thị trường nội địa. Nhật Bản, Thái-lan và nhiều nước trên thế giới đã từng thành công trong phong trào "mỗi làng một sản phẩm" nhằm kích cầu sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nhìn lại Việt Nam, thị trường trong nước vẫn còn rất rộng lớn đối với hàng loạt mặt hàng nông sản như: gạo, đường, rau quả, thủy sản... và chúng ta đã có thuận lợi nhất định khi đang triển khai chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".

Song song với việc tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy đàm phán quốc tế để củng cố, duy trì các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, thì giải pháp quan trọng là cần chú trọng khai thác thị trường trong nước, với những chính sách kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Ðiều này buộc tự thân ngành nông nghiệp phải chuyển biến rõ rệt. Sản xuất không thể tùy tiện, làm theo thói quen và thiếu quy hoạch, mà cần áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến, gia tăng nhiều hơn hàm lượng khoa học công nghệ để tăng chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở những địa phương vốn được coi là trọng điểm sản xuất nông sản hàng hóa, cần phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường, phát triển các chợ đầu mối nông sản, lập sàn giao dịch, cải thiện bộ mặt các chợ, tụ điểm thu mua; trang bị kỹ thuật cho các cơ sở chế biến, kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế; xây dựng kho bảo quản, bến bãi, cảng giao hàng thuận tiện cho sản xuất, lưu thông sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng hệ thống thông tin cập nhật, dự báo về tình hình thị trường, cân đối cung - cầu, biến động giá cả trong nước và quốc tế; tăng cường phổ biến kiến thức cho người sản xuất về thu hoạch, bảo quản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc chủ động dự báo thị trường, quảng bá những nông sản đặc sản cũng cần được tổ chức một cách bài bản, tạo sự riêng biệt, hấp dẫn cho sản phẩm và tìm cách tiếp thị đến nhiều thị trường khác nhau để từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh các thị trường mới.

QUANG MINH






Nguồn nhandan.org.vn