Lối thoát khỏi nỗi ám ảnh "thuần lúa - chúa nghèo"

Lối thoát khỏi nỗi ám ảnh "thuần lúa - chúa nghèo"
Ở ĐBSCL, sự "liên kết 4 nhà" đã có từ nhiều năm qua. Từ khi Nhà nước có chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) thì mô hình liên kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp (DN) mới thực sự phát huy.


 

Lối thoát khỏi nỗi ám ảnh

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

 

Chỉ riêng ở Cần Thơ, năm nay có 15 mô hình CĐML với 4.602ha. Lợi nhuận của CĐML cao hơn và đời sống người nông dân được cải thiện hơn.

Cái khó ló... mô hình

Từ năm 2010 trở về trước, có câu nói cửa miệng ở ĐBSCL "thuần lúa chúa nghèo", bởi trồng lúa tuy năng suất ngày càng tăng cao, nhưng lợi nhuận của nông dân bấp bênh nông dân sản xuất manh mún theo kinh tế hộ, còn DN không đủ khả năng thu mua lúa tận gốc mà phải thông qua "hàng xáo". 

Năm 2011, nhiều nông dân ở An Giang tham gia liên kết trực tiếp với các DN thì lợi nhuận đã tăng lên. Từ những đột phá ấy, nhiều DN ở Cần Thơ liên kết với nông dân xây dựng CĐML, diện tích và sản lượng bao tiêu của các Cty không ngừng tăng lên. Cty cổ phần Gentraco từ tháng 10.2008 đến nay đã thực hiện bao tiêu hơn 8 vụ lúa tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ. Nếu ở vụ đầu tiên, diện tích bao tiêu của công ty chỉ khoảng 135ha, thì vụ đông xuân 2011 - 2012, diện tích là 2.000ha.

Bà Lưu Thị Lan - Phó giám đốc Cty - cho biết: "Thời gian đầu Cty gian nan trong việc vận động bà con tham gia, đến khi thấy được hiệu quả từ CĐML, nay bà con phấn khởi tự động đăng ký và diện tích CĐML đã tăng đáng kể. Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2014, diện tích bao tiêu tại TP.Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL sẽ đạt mức 15.000ha, tương đương sản lượng 75.000 tấn lúa".

Hiệu quả từ CĐML

Ông Nguyễn Văn Kỹ, một nông dân ở ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai tâm sự: "Trước đây, mỗi vụ lúa thường xuất hiện nhiều "cò" dẫn mối cho mình bán lúa, mình phải trả công cho các "cò". Còn bạn "hàng xáo" mua đi bán lại nên giá lúa lúc nào cũng thấp hơn so với DN thu mua tại chỗ.

Từ khi liên kết trực tiếp với DN, hễ tới mùa thu hoạch DN cho ghe đến chở lúa về mà không cần phải qua khâu trung gian. Điều này có lợi cho cả DN và nông dân chúng tôi".

Vụ hè thu này là vụ thứ 2 nông dân ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai biết đến mô hình CĐML. Vụ đầu tiên, nông dân chưa thấy được lợi ích của mô hình nên còn dè dặt khi đăng ký tham gia, kết quả là cánh đồng mẫu chỉ rộng 420ha, với 297 hộ tham gia. Vụ hè thu này bà con mạnh dạn tham gia nhiều, cánh động mở rộng ra 926 ha với 623 hộ tham gia.

Ông Trần Điền Lan, Tổ trưởng sản xuất lúa ấp Đông Giang cho biết: "Vụ đông xuân vừa rồi tôi tham gia vì thấy mô hình này hiệu quả rất cao. Hiện tại Nhà nước đang đầu tư để làm đê tránh lũ, có thể sạ được 3 vụ, giá lúa lại cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật tốt, kích thích bà con yên tâm làm lúa hơn".

Ông Kỹ có 1ha ruộng tham gia CĐML từ vụ đầu tiên. Vụ đông xuân vừa rồi, năng suất lúa của chú đạt 8 tấn/ha, cao hơn so với các hộ khác, chi phí đầu tư mỗi hécta lại tiết kiệm được từ 1,5 - 2 triệu đồng. 

Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ - bà Nguyễn Thị Kiều, cho biết: "Vụ hè thu này, TP đã tăng cường việc cơ giới hóa máy gặt đập liên hợp nhằm tăng tỉ lệ cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch. Sở đang triển khai ráo riết các kế hoạch hỗ trợ nông dân 200 máy gặt đập liên hợp, 50 máy kéo và những công trình đê bao khác với tinh thần cùng nông dân chăm sóc CĐML".
 
Lý Kiều

 

  Theo Lao Động