Long An mạnh tay tiêu hủy ruộng “lúa lạ”

Long An mạnh tay tiêu hủy ruộng “lúa lạ”
Ngày 8.3, ngành nông nghiệp Long An đã mạnh tay tiêu hủy toàn bộ diện tích lúa ngoại lai xuất xứ Trung Quốc được một tiến sĩ Trung Quốc và một thạc sĩ Việt Nam trồng trái phép tại địa phương này.

"Xử" giống ngoại lai

Ngày 8.3, Sở NNPTNT tỉnh Long An phối hợp với chính quyền huyện Châu Thành (Long An) tiến hành tiêu hủy ruộng lúa do thạc sĩ Trương Quốc Ánh - Phó phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Nông nghiệp Miền Nam (Bộ NNPTNT) phối hợp với ông Trần Minh Nhu - cán bộ đang công tác tại Công ty Giống cây trồng Miền Nam và ông Lji Wen Jiang - tiến sĩ Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên Trung Quốc trồng tại ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành.

Theo kết quả giám định của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng vùng Nam Bộ, đây không phải là giống Nhị Ưu 838 như trình bày của ông Ánh với Sở NNPTNT tỉnh Long An. Đoàn kiểm tra khẳng định, giống lúa ngoại lai này không nằm trong bộ giống được Bộ NNPTNT cấp phép.

Tiêu hủy lúa ngoại lai tại ruộng bà Nguyễn Thị Thật.

Trước đó, tại buổi làm việc với Sở NNPTNT Long An ngày 19.2, ông Ánh và ông Nhu vẫn luôn một mực khẳng định đây là giống lúa đã được cấp phép nên Sở buộc phải áp dụng biện pháp mạnh là quản lý toàn bộ ruộng lúa để giám định. Ngay khi có kết quả xác định đây là giống ngoại lai không được phép phổ biến, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Long An đã chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa theo quy trình.

Theo đó, toàn bộ lúa trên ruộng bà Nguyễn Thị Thật (0,4ha) chưa trổ bông sẽ được cắt sạch, phơi khô rồi đốt. Đối với 1ha lúa sắp chín trên ruộng ông Nguyễn Văn Bền, máy gặt đập liên hợp sẽ thu hoạch. Sau thu hoạch, ngành chức năng sẽ niêm chì toàn bộ số thóc thu được và tiêu hủy theo quy định. Toàn bộ rơm, rạ trên đồng sẽ được phơi khô và đốt bỏ. "Tiêu hủy xong, chúng tôi tiếp tục quản lý ruộng lúa, theo dõi những hạt rơi vãi nảy mầm để xử lý tiếp. Trong các vụ lúa tiếp theo, ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi, xử lý nếu còn sót bất kỳ mấm mống ngoại lai nào" - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, Sở đã phạt ông Trần Minh Nhu số tiền 13,3 triệu đồng vì trồng lúa ngoại lai và sử dụng chuyên gia Trung Quốc không xin phép các cơ quan chức năng. Đối với hành vi khai báo không trung thực của ông Ánh, Sở sẽ tiếp tục xử phạt.

Bất ngờ với lúa nhiễm rầy, hạt lép

Có mặt tại hiện trường, nhiều nông dân cho biết, giống lúa đang trồng đúng là loại "lúa lạ" đối với họ. Việc tiêu hủy sớm như thế này là phù hợp, giúp họ cảm thấy yên tâm, không sợ loại lúa này gây hại lai tạp và gây hại cho ruộng lúa của người khác. Theo quan sát của chúng tôi, bông lúa chín rất ít hạt, chỉ bằng một nửa so với lúa đang trồng tại địa phương. Trước đó, cung cấp thông tin cho phóng viên, thạc sĩ Ánh còn cho biết, đây là giống… dễ nhiễm rầy nhưng đã được cấy gen kháng rầy. Ông Ánh nói đây là lúa Dương Hưu của Trung Quốc.

Về giống lúa ngoại lai này, GS-TS Võ Tòng Xuân nói: “Tôi nghiên cứu về lúa mấy chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên nghe tên loại lúa này lần đầu!”.

Tại buổi tiêu hủy, ông Ánh và ông Nhu cùng ông Wen đều vắng mặt. Điều làm mọi người bất ngờ là lượng thóc thu hoạch chỉ ước hơn 1 tấn, phần còn lại chỉ toàn hạt lép.

Mấy ngày qua, một số người tự xưng là "chuyên gia nông nghiệp" lên một số trang mạng phê phán việc xử lý "mạnh tay" của ngành nông nghiệp Long An. Không hề xuất hiện tại hiện trường nhưng họ vẫn mạnh miệng tuyên bố đây là lúa Nhị Ưu 838, được cấp phép.

Thậm chí, những người này còn đề nghị "khen thưởng" nhóm người trồng lúa Trung Quốc không xin phép vì cho rằng đây là "nghiên cứu khoa học", giúp nông dân Việt Nam làm giàu. Bình luận về vấn đề này, một cán bộ ngành nông nghiệp Long An cho biết, lâu nay Long An luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu lai tạo giống lúa. Bằng chứng là lão nông Dương Văn Hữu (ngụ xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã được phong Anh hùng Lao động nhờ lai tạo được nhiều giống lúa kháng rầy, năng suất cao.

"Ông Ánh, ông Wen trồng giống ngoại lai nhằm thu lợi nên phải làm lén lút chứ không phải là nghiên cứu khoa học" - vị cán bộ này khẳng định.