Luôn lắng nghe để cải thiện quy định hỗ trợ ngư dân tốt hơn
- Thứ ba - 08/03/2016 04:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện tối đa để ngư dân vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Sẵn sàng sửa đổi quy định phù hợp hơn với thực tế
Khi mới bắt đầu thực hiện Nghị định 67 về phát triển thủy sản, dù các NH rất nỗ lực, nhưng việc triển khai gặp không ít vướng mắc. Sau khi Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành khảo sát thực tế, tiếp thu các ý kiến phản hồi, đặc biệt việc ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, vốn tín dụng đã hỗ trợ tích cực bà con ngữ dân vươn khơi bám biển.
Theo thống kê của NHNN, sau hơn một năm triển khai thực hiện, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 4.000 tỉ đồng.
Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60- 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu, tài sản bảo đảm là chính con tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp. Giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỉ đồng.
Từ tháng 6/2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể, số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30/6/2015.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 với các hướng dẫn để các quy định vay vốn NH dễ thực hiện hơn đối với các cơ sở cung cấp máy và ngư dân. Các quy định thông thoáng hơn như: Cho phép sử dụng máy cũ khi đóng mới tàu, nâng thời hạn hỗ trợ từ 11-16 năm, có cơ chế hỗ trợ chủ tàu đóng mới khai thác dịch vụ hậu cần vỏ chất liệu mới, cấp bù, miễn lãi vay năm đầu…
Nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, dù tốc độ giải ngân tăng đáng kể, có thêm nhiều con tàu ngư dân tỏa đi xa bờ để đánh bắt thủy sản đồng thời thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, nhưng vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan, chính quyền phải bám sát sửa đổi kịp thời với yêu cầu của thực tiễn.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên những vướng mắc cần tháo gỡ.
Chẳng hạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ kiến nghị các NH cần tính toán chi phí giá trị gia tăng vào mức vốn đầu tư để làm căn cứ vay vốn hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đồng thời, Bộ Tài chính cần hướng dẫn thống nhất trong một văn bản và xử lý kịp thời việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các chủ tàu theo đúng tinh thần chủ trương của Chính phủ là ưu đãi cho ngư dân vay vốn đầu tư đóng tàu cá đánh bắt xa bờ.
Lễ ký kết 14 hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và ngư dân. Ảnh: VGP/Huy Thắng. |
Chính quyền phải phối hợp đồng bộ, thật sự sát cánh cùng bà con
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Thống đốc NHNN đề nghị các NHTM cần tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu của ngư dân theo Nghị định 67 theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho bà con ngư dân, không chồng chéo với thủ tục phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn của UBND các tỉnh, thành phố.
Tiếp tục chủ động tiếp cận với ngư dân được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt để hướng dẫn ngư dân hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn. Trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ đề nghị vay vốn, NHTM báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh để được xem xét, giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các NHTM trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay; thường xuyên cập nhật việc tiếp cận chủ tàu, việc tiếp nhận và tiến độ xử lý hồ sơ đề nghị vay vốn của ngư dân, phản ánh những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của địa phương, các bộ, ngành liên quan, NHNN Việt Nam để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong quá trình cho vay.
Thống đốc cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67.
“Có rất nhiều khúc mắc liên quan đến cung cấp, lựa chọn mẫu tầu, lựa chọn cơ sở đóng tàu, tính toán giá thành, giám sát đóng tàu, đào tạo kỹ thuật đánh bắt, điều khiển những tàu lớn, hiện đại… mà ngư dân không thể giải quyết nổi, thì cơ quan chính quyền phải vào cuộc giải quyết cho dân”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Đối với đại diện các ngư dân, người đứng đầu NHNN lưu ý tín dụng ưu đãi là chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chúng ta tận dụng cơ hội nhưng không thể tham gia theo phong trào, phải thật sự có kinh nghiệm mới tham gia chương trình.
Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, các ngư dân đánh bắt xa bờ phải đoàn kết, liên kết với nhau để vừa khai thác, vừa hỗ trợ lẫn nhau, bảo vệ chủ quyền biển đảo cần gắn liền với hiệu quả kinh tế. Các địa phương cần nghiên cứu và tổng kết các mô hình tổ đội, hợp tác xã, bao gồm các tàu hậu cần nghề cá liên kết khai thác.
Dưới góc độ NHTM, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Huỳnh Thế Du kiến nghị, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các định mức đóng tàu và giá khái toán của từng loại tàu (tàu gỗ, tàu vỏ thép, vỏ composite), làm cơ sở và hỗ trợ các NHTM trong việc định giá và đưa ra mức cho vay phù hợp.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp và có các văn bản chính sách giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và ngư dân để bảo đảm đầu ra ổn định cho ngư dân.
Còn đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, thủ tục vay vốn đã cải tiến và thông thoáng hơn, nhưng ngư dân vẫn khó khăn do hạn chế về kiến thức làm hồ sơ, thủ tục giao dịch vay vốn.
Do đó, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các NH bố trí cán bộ tín dụng chủ động giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho ngư dân trong quá trình làm hồ sơ thủ tục được thuận lợi và nhanh chóng.
Hội nghị “Sơ kết hơn một năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ” ngày 7/3 tiếp tục chứng kiến 14 hợp đồng tín dụng nữa được ký kết giữa các NHTM và ngư dân để đóng mới thêm 14 con tàu công suất lớn, hiện đại với số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đợt này là trên 190 tỉ đồng.
Theo Baochinhphu.vn