Mặc rớt giá, U70 vẫn “mát tay” xuất chuồng 2.000 lợn giống/tháng
- Chủ nhật - 22/10/2017 18:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay ông Lùng là Phó Giám đốc của HTX Hợp Thịnh - một trang trại lợn giống kết hợp trồng trọt cho thu nhập cao mỗi năm.
Đủ giờ mới được vào…
Ấn tượng ban đầu của chúng tôi đó là khu trang trại HTX của ông nằm tách biệt, biệt lập với khu dân cư, nó nằm ở vị trí trung tâm thung lũng, ba bốn bề đều là đồi cao. Từ nơi “căn cứ” của ông có thấy nhìn bao quát được toàn bộ khu trang trại mà ông đang quản lý.
Toàn cảnh khu trang trại lợn giống do ông quản lý nhìn từ chòi nơi ông nghỉ ngơi.
Khi chúng tôi gợi ý muốn vào thăm mô hình trang trại nuôi lợn của ông, ông cười nói: “Nếu thế tối phải ngủ đây rồi”. Ban đầu chúng tôi nghĩ ông nói vui nhưng không phải vậy. “Nếu muốn vào thăm trang trại lợn thì phải cách ly ít nhất 24h thì mới được vào, ngay cả ông cũng vậy, chủ muốn vào thăm đàn lợn của mình cũng phải đợi đó 24 tiếng, ông giải thích. Nhờ có quy trình quản lý chặt chẽ như vậy mà đàn lợn của ông phát triển tốt và ít dịch bệnh. Công nhân trong trang trại lợn của ông lâu lâu mới được về quê, chỉ trừ gia đình có việc thì họ mới rời trang trại. Vì nếu đi lại, ra vào thường xuyên rất dễ mang mầm mống bệnh từ ngoài vào.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, nhưng may mắn sau khi học hết phổ thông ông được cử đi học bên Liên Xô và sau khi về nước ông công tác tại Đài khí tượng thủy văn. Cuộc đời của ông đã đi qua nhiều tỉnh thành, nhưng cuối cùng ông quay về mảnh đất xứ Lạng, nơi ông sinh ra và lớn lên. Mặc dù có tiền lương hưu hàng tháng nhưng ông nói: “Tôi mê làm nông, ngồi ở không khó chịu bứt rứt chân tay”. Ông Lùng chia sẻ: “Tôi thích lắm, đam mê lắm, nhờ có đam mê nên mới được nhu bây giờ.”
Sau khi nghỉ hưu, năm 2006 ông sử dụng diện tích đất của bố mẹ để lại, cải tạo trồng các loại cây ăn quả như mận, xoài, măng bát độ,… chăn nuôi gà sao, nuôi dê, nuôi dế,… nhưng do không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên cho thu nhập thấp dẫn đến thất thu về vốn. Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của thị trường cũng như nông dân trong vùng ông quyết tâm chuyển sang mở mô hình chăn nuôi lợn nái để cung ứng lợn giống cho thị trường trong vùng cũng như các tỉnh lân cận.
Ông đã đi đến thăm quan học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi ở các tỉnh bạn. Từ đó mở rộng các mối quan hệ thuận lợi cho trao đổi kinh nghiệm cũng như đầu ra con giống. Hiện nay mô hình của ông cũng đầu tư nhiều hệ thống móc móc hiện đại với tổng số vốn lớn.
Cận cảnh bên trong trang trại lợn giống của ông. (ảnh: NVCC)
Khi mới bắt đầu, nhờ các mối quan hệ nên trang trại của ông đã liên kết với Công ty bên Thái Lan để được trao đổi, phổ biến kỹ thuật chăm sóc đàn lợn nái 600 con và cho thu nhập hơn 1,5 tỷ một năm sau khi trừ các chi phí.
Ông Lùng cho biết: Thời điểm mới đầu rất khó khăn đặc biệt là vốn, sau đó là kỹ thuật. Nhờ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhiều mô hình ở các tỉnh bạn và qua các chương trình trên phương tiện thông tin đại chúng ông học hỏi được rất nhiều từ kỹ thuật chăm sóc cũng như đầu ra sản phẩm.
Từ trắng tay mất vốn, thành chủ HTX chục tỷ…
Hiện tại Trang trại lợn nái sinh sản tại HTX của ông đang có hơn 800 con lợn nái sinh sản. Mỗi tháng xuất chuồng khoảng 2.000 con lợn giống chủ yếu xuất sang thị trường Hà Lan.
Ngoài chăn nuôi lợn nái thì HTX của ông còn mở rộng thêm 8ha mô hình trồng cây dược liệu như Hoàng Ngọc, cà gai leo…cho thu nhập hơn 300 triệu/năm. Ông tận dụng nhau thai lợn nái để nuôi thả cá với diện tích gần 3ha cho năng suất cao...Còn gà, vịt chăn nuôi trong trang trại chủ yếu để phục vụ bữa ăn cho hơn 32 nhân công tại HTX. Ông tận dụng phân chuồng cho vào hệ thống máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh sử dụng trong trồng trọt cho thu nhập gần hơn 1.2 tỷ/năm.
Ông giới thiệu cây dược liệu Hoàng Ngọc mới cho đợt thu hoạch đầu tiên tại trang trại của ông.
Ngoài công việc quản lý trang trại HTX, ông Lùng còn mở rộng thêm trang trại riêng với 4ha rừng bạch đàn cho thu nhập hơn 100 triệu/năm...
Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông cho biết: Ông đang có kế hoạch mở rộng diện tích để trồng 5 - 10ha chanh leo, các loại cây quý cho thu nhập cao như đinh lăng, nhân sâm, ba kích…
Ông Lùng là một hội viên nông dân vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh nhờ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Lùng luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong xóm, trong vùng.
Rời ngôi nhà khang trang, hàng ngày ông lên ngôi nhà nhỏ dựng trên đỉnh đồi, nơi ông gọi là "căn cứ" treo nhiều giấy khen mà Hội nông dân tặng ông vì có thành tích trong lao động sản xuất.
Ông Hoàng Văn Tinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lộc cho biết: Mô hình chăn nuôi sản xuất của hội viên Giang Văn Lùng được đánh giá cao về quy mô cũng như chất lượng đầu ra. Đây là mô hình lớn, cần được quan tâm đầu tư, và là mô hình đáng để các hội viên học tập...
Theo danviet.vn