Mắc vốn, tắc nhiều chương trình mục tiêu quốc gia

Năm 2012, tỉnh Bắc Cạn được đầu tư tổng số gần 200 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đưa thông tin về cơ sở... nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay tồn đọng lượng vốn lớn mà không giải ngân được...
Nhân dân xã Cốc Ðán, huyện Ngân Sơn tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 

Nguồn vốn lớn bị "treo"

Tháng 5-2012, tỉnh Bắc Cạn được giao 73,8 tỷ đồng để thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Là Chương trình 135 trước đây, từ năm 2012 chuyển sang giai đoạn đầu tư mới, tháng 6-2012, UBND tỉnh mới có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng, đề nghị hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chậm, không rõ ràng nên đến tháng 12-2012, tỉnh mới chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã triển khai thực hiện, đầu tư xây dựng 132 công trình cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Ðến nay, đã hoàn thành được 98 công trình, số còn lại đang thi công dở hoặc chưa khởi công mới. Trong số các công trình đã hoàn thành thì chỉ có 33 công trình thanh toán được vốn với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng, số còn lại hơn 56,5 tỷ đồng không thể giải ngân được.

Cũng trong tháng 5-2012, tỉnh được đầu tư 9,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để bê-tông hóa đường giao thông nông thôn. Ba xã điểm của tỉnh không triển khai được nên phải điều chuyển vốn cho 18 xã để bê-tông hóa 30 km đường giao thông nông thôn. Khi điều chuyển vốn đã là cuối năm, hầu hết các xã đều không giải ngân được, dẫn đến xây dựng dở dang hoặc dừng thi công. Tương tự, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa với số vốn gần 3,5 tỷ đồng, cũng không giải ngân được đồng nào.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Cạn, tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 trung ương giao cho tỉnh là 192 tỷ đồng, nhưng đến tháng 5-2013, mới giải ngân được 114 tỷ đồng, số còn lại 78 tỷ đồng không thể giải ngân được sau ngày 31-3-2013 thì phải hoàn trả cho ngân sách. Dẫn đến tình trạng này là do việc thực hiện hầu hết các dự án được đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đều bị chậm, không đáp ứng yêu cầu tại Văn bản số 18291/BTC- ÐT ngày 28-12-2012 của Bộ Tài chính quy định: "Các dự án khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 được phân bổ vốn và thanh toán vốn khi có quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt tổng dự toán hoặc dự toán trước ngày 30-9-2012. Hồ sơ thanh toán, ngoài các tài liệu theo quy định, phải kèm theo quyết định phê duyệt tổng dự toán hoặc dự toán của cấp có thẩm quyền".

Khi áp dụng Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 và Thông tư 86/TT- BTC ngày 17-6-2011 của Bộ Tài chính (các dự án thực hiện đầu tư phải có quyết định đầu tư từ thời điểm trước ngày 31-10 năm trước năm kế hoạch) thì điều kiện giao kế hoạch vốn cho công trình khởi công mới của  tỉnh là rất khó khăn, vì địa phương không xác định được nguồn vốn cho nên không thể phê duyệt, quyết định đầu tư trước theo yêu cầu nêu trên. Mặt khác, tỉnh không giải ngân hết nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo năm 2012 là Chương trình 135 trước đây, nay chuyển giai đoạn nên địa phương lúng túng khi triển khai, mất nhiều thời gian chờ hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành trung ương; Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì hồ sơ phải trình xin ý kiến của cơ quan quản lý chương trình nên cũng mất nhiều thời gian; chậm trễ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... khi phê duyệt dự án thì hầu hết đều sau thời điểm 30-9-2012 nên không được giải ngân. Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Cạn Hoàng Việt Dũng thẳng thắn: "Các chương trình, dự án triển khai chậm còn do các chủ đầu tư, các ngành liên quan ở địa phương chưa thật sự quan tâm, làm hết trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho tỉnh có hướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời; các địa phương trong tỉnh chưa chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn cho các chương trình mục tiêu quốc gia và bố trí nguồn vốn địa phương cho công tác chuẩn bị đầu tư".

Nợ đọng, công trình dở dang

Năm 2012, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới được tỉnh giao hơn 900 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đổ bê-tông bốn tuyến đường với tổng cộng chiều dài hơn 3 km. Với cơ chế tỉnh chỉ đầu tư tiền mua xi-măng, ống cống, kinh phí quản lý hai triệu đồng/km đường, cấp ủy và chính quyền xã phải vận động nhân dân địa phương hiến đất, đóng góp tiền mua cát, sỏi, thuê thiết bị thi công, ngày công lao động thì mới làm được. Ðến nay, chỉ có một tuyến làm xong, ba tuyến khác đang làm dang dở được tổng cộng 1,3 km thì xã dừng lại, vì không rút được tiền để trả cho các đại lý đã bán cho xã hàng trăm tấn xi-măng. Lãnh đạo xã Quảng Chu chia sẻ: "Ban đầu đội ngũ lãnh đạo xã và nhân dân rất hăng hái đóng góp tiền để mua cát, sỏi, thuê thiết bị thi công, huy động hàng nghìn ngày công đổ bê-tông đường. Tuy nhiên, số lượng xi-măng đã mua để đổ bê-tông lên đến hàng trăm tấn nhưng xã không rút được tiền để trả cho các đại lý; các đại lý không cho nợ, không thể mua được xi-măng để làm đường mới nên phải dừng lại, thành ra công trình bị dở dang. Tương tự, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều không giải ngân được nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2012 để làm đường giao thông nông thôn.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Cạn Chung Thị Biển cho biết: "Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng các thôn, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2012 còn tồn 56,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã khó khăn, phải vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng hoàn thành 98 công trình, nay không được thanh toán càng khó khăn. Thấy các công trình hoàn thành không được giải ngân nên các nhà thầu cũng dừng thi công hơn 30 công trình đang dở dang".

Số vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn bị tồn đọng, không thể giải ngân được là khá lớn. Hệ quả, làm tăng nợ đọng, nhiều công trình xây dựng dở dang, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn. Ðây là bài học kinh nghiệm cho tỉnh Bắc Cạn trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sao cho chủ động, kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương cho phép tỉnh được tiếp tục giải ngân các nguồn vốn này đến hết năm 2013 để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

 

BÀI VÀ ẢNH: THẾ BÌNH

Theo nhandan.org.vn