Mất an toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo sợ “mạn tính”?!

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm: Nỗi lo sợ “mạn tính”?!
Chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở nước ta diễn ra ngày một nặng nề không hẳn đã nằm ở các cơ quan và cán bộ chức năng về ATVSTP.
 

Muốn xã hội có ATVSTP thì phải có những biện pháp hoàn chỉnh gồm nhiều yếu tố kết hợp, chứ không chỉ yếu tố giám sát của cơ quan chức năng vốn rất mỏng về nhân lực trên một địa bàn rộng lớn, phức tạp. Giám sát, kiểm tra là cần nhưng chỉ là phần ngọn còn cái gốc của vấn đề phải là từ giáo dục, tuyên truyền và nhận thức của xã hội, bắt đầu từ chính sách của cơ quan chức năng.

Dân đang lo lắng trước thực phẩm thiếu an toàn thì bỗng đâu có lời khuyên “Hãy là người tiêu dùng thông minh” cứ như là mọi vụ ngộ độc thực phẩm đều do dân kém thông minh? Ở góc độ khác thì lời khuyên trên là sự thoái thác trách nhiệm hay sự tuyên bố bất lực trước thực phẩm thiếu an toàn của cơ quan hữu quan. Cái lỗi mua phải thực phẩm bẩn là do ý thức sử dụng sản phẩm của người dân còn cơ quan quản lý ATVSTP đành chịu.

 Cần nâng cao chất lượng kiểm dịch để người dân yên tâm lựa chọn thực phẩm đảm bảo ATVSTP. Ảnh: Trần Minh

Trong cuộc họp của Bộ NN&PTNT chiều 19/10 vừa qua đã cảnh báo chuyện măng khô có lưu huỳnh, cá biển có urê, thịt bò khô có phẩm màu công nghiệp hay thịt lợn bẩn ồ ạt vào TP.HCM... Trước thực trạng này mà đòi hỏi người tiêu dùng phải “thông minh” thì thật là khó!

Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã có nhưng người tiêu dùng nếu mua nhầm phải sản phẩm kém chất lượng nói chung và thực phẩm bẩn nói riêng thì cũng không biết “kêu” ai! Không chừng các ông bên Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng không biết phải “thông minh” thế nào khi được các bà xã giao cho nhiệm vụ đi chợ!

Về phía người tiêu dùng, giá mà khi nhận ra mình bị tổn hại về sức khỏe lâu dài khi dùng sản phẩm của một công ty nào sẽ được quyền kiện công ty đó ra tòa, nếu thắng kiện họ sẽ được bồi thường thích đáng thì chắc tình hình sẽ khác hơn. Mặt khác, điều này cũng là biểu hiện của “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong hành trình thiết lập ATVSTP trong xã hội khi dân giúp cho Nhà nước phát hiện những sản phẩm độc hại qua thực tế tiêu dùng.

Có một nghịch lý đáng buồn là, cũng là thực phẩm mà tại sao hàng hóa nhập vào các nước khác thì người ta có thể kiểm tra và phát hiện rồi trả về cả những con tôm, con cá có dư lượng thuốc không an toàn. Còn của ta thì sao? Tại sao hàng độc hại, đặc biệt từ phía Bắc tràn vào không thể kiểm soát được. Còn thực phẩm trong nước hình như cũng chưa có trách nhiệm cụ thể được quy cho ai, tổ chức nào.
 
 Những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát liệu có đảm bảo ATVSTP?Ảnh: TM
Nên chăng có quy định cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý cơ sở giết mổ chẳng hạn để triệt để xử lý các hộ giết mổ trái phép hoạt động tại địa phương mình. Phát hiện ra cơ sở giết mổ lậu nào là chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Cơ quan thú y là cơ quan chuyên môn phải làm công tác kiểm soát giết mổ (KSGM) tại các cơ sở giết mổ hợp pháp đủ điều kiện vệ sinh, anh nào đóng dấu KSGM tại các cơ sở không đủ điều kiện thì bị xử lý... Có vậy mới an toàn thực phẩm được chứ không quy định rõ trách nhiệm như hiện nay thì cứ nói mãi cũng chẳng được việc gì.

Trách nhiệm của nhân viên KSGM phải có chế tài để không thể có chuyện nhân viên thú y - kiểm dịch động vật cứ khoảng 3, 4 giờ sáng là đến các chợ và thực hiện động tác “đóng dấu” mực tím vào các loại thịt của động vật như heo, bò, gà, vịt... là xong, còn nguồn thịt đó từ đâu mà tiểu thương có thì không cần biết.

Khi mọi chuyện trên làm tốt, có đoàn kiểm tra đột xuất (không theo tháng ATVSTP và không rầm rộ liên ngành dễ lộ) thấy thực phẩm không rõ nguồn gốc là tịch thu tiêu hủy xem còn ai dám tùy tiện trước ATVSTP nữa hay không?

Không lẽ sức khỏe của nhân dân lại phụ thuộc vào trí thông minh khi mua thực phẩm hoặc phụ thuộc vào tháng ATVSTP? Và không lẽ cứ phải sống chung với nỗi lo mất ATVSTP?

Rất mong Bộ NN&PTNT và Quản lý thị trường ra tay quyết liệt cho dân nhờ!  

Đào Lệ Quyên
Theo 
suckhoedoisong.vn