Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở 14 - 17%/năm

Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở 14 - 17%/năm
Nhiều ngân hàng có những gói vay lãi suất 11 - 13%, nhưng doanh nghiệp không dễ tiếp cận được gói này.

Tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay có giảm nhưng vẫn chậm hơn mức giảm của lãi suất huy động, và mặt bằng lãi suất cho vay chủ yếu từ 14 - 17%. Các ngân hàng có những gói vay lãi suất 11 - 13%, nhưng doanh nghiệp không dễ tiếp cận được gói này.

Một trong những ngân hàng có mức lãi cho vay thấp thất là BIDV, với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp tốt, được xếp chuẩn tín dụng cao nhất (3A) là 13,5%, còn lại thì khách hàng được vay với lãi suất khoảng 14% - 14,5%/năm.

Lãi suất cho vay tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tiếp tục giảm, sau khi NHNN quyết định giảm trần lãi suất cho vay xuống còn 13%. Ở ngân hàng này, các khoản cho vay dành cho doanh nghiệp nằm trong 4 nhóm ưu tiên là doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, cho vay nông nghiệp nông thôn, lãi suất đã xuống còn 12,5% - 13%. Trong khi đó, mức lãi suất cho vay đối với khách hàng thông thường vay vốn lưu động ở mức 13,2% - 16,4%, giảm nhiều so với các tháng trước. Tuy vậy, để được vay các gói này, khách hàng phải là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Ngân hàng Eximbank hiện cũng đang có 2 gói ưu đãi, mỗi gói trị giá 2.000 tỉ đồng, trong đó có một gói cho vay với lãi suất 7%, nhưng để tiếp cận lãi suất này, khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỷ giá. Bên cạnh mức lãi suất 7%/năm, khách hàng phải cam kết bù đắp cho chênh lệch của tỷ giá trong kỳ (từ nay đến cuối năm) tối đa là 3%, và nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3% đó. Còn gói còn lại là cho vay đối với 4 nhóm ưu tiên, lãi suất khoảng 13%.

Nhưng với những khoản vay có lãi suất dưới 14,5%/năm như trên, đa phần các nhân viên tín dụng mà tiếp cận được thì khả năng doanh nghiệp được vay là không nhiều bởi những quy định xếp hạng tín dụng của ngân hàng không dễ vượt qua. Đồng thời cũng chỉ các ngân hàng lớn, có nguồn vốn dồi dào lãi suất mới giảm nhanh, còn với các ngân hàng nhỏ, lãi suất vẫn giảm, nhưng không nhiều.

Theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng nhỏ tại TPHCM, tại ngân hàng bà, lãi suất dành cho 4 nhóm ưu tiên hiện từ 15 -17%, cao hơn so với quy định dưới 13% của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ đối với khách hàng thân quen mới được vay lãi suất 13%, nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay. Lãi suất cao như vậy, nhưng để vay được, doanh nghiệp phải thoả mãn nhiều quy định, trong đó có việc phương án kinh doanh hiệu quả, 3 năm liền kiểm toán có lãi…

Ở một ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội, nhân viên tín dụng chi nhánh TPHCM cho biết nếu doanh nghiệp được xếp hạng 3A thì lãi vay khoảng 14%, còn chủ yếu vẫn trên 16%. Tuy nhiên, khi đi nói chuyện với khách hàng, nhân viên cũng chỉ chào lãi suất 14-15%, sau khi chờ ngân hàng xếp hạng xong thì mới báo lãi suất là 16%, và giải thích là do khách hàng chỉ đạt chuẩn 1B đến 3B nên chỉ cho vay được với lãi suất này. Đa phần khách hàng đều đồng ý vì thủ tục thẩm định mất thời gian, khách hàng lại đang cần vốn.

Nếu so với đầu năm nay, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3-4 điểm phần trăm, chậm hơn so với đà đi xuống của lãi suất huy động (từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động giảm 5 điểm phần trăm). Và nhìn chung, lãi vay đối với 4 nhóm ưu tiên vẫn cao hơn khá nhiều so với quy định trần ở 13%, đa phần các ngân hàng khẳng định lãi suất sẽ giảm sâu hơn trong quí 3, khi giá vốn huy động rẻ hơn.

Hoạt động tín dụng đã khả quan hơn theo đà giảm của lãi suất. Tổng tín dụng của cả nước tính đến 30-4-2012 là 2.617.320 tỉ đồng, giảm 0,59% so với cuối năm 2011, nhưng trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định tín dụng đã bắt đầu tăng lại từ tháng 5. Tại TPHCM, con số tín dụng tháng 6 đã tăng 1,94% so với tháng 5.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh hiện nay, nợ xấu như hòn đá to, ngăn cản dòng chảy của tín dụng ra nền kinh tế, vì vậy, việc giảm lãi suất chưa thực sự tạo hiệu ứng tích cực. Việc đầu tiên là phải nhấc hòn đá khỏi đường đi, muốn vậy, giải quyết nợ xấu của ngân hàng là quan trọng nhất.

Việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia là một mô hình khả thi để làm việc này. Nhưng theo ông Nghĩa, cũng phải cần đến 1-2 năm thì nợ xấu mới giảm bớt. Và như vậy, lãi suất cho vay có giảm nhưng đến được với đại bộ phận doanh nghiệp thì phải cần thêm thời gian.

Theo TTXVN