Mô hình nông nghiệp công nghệ cao – kỳ 3: Giải “bài toán” nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ hai - 01/07/2013 22:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mô hình nông nghiệp công nghệ cao gồm 4 tiêu chí cơ bản: kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Về kỹ thuật là ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm đạt năng suất tăng ít nhất là 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng. Đối với tiêu chí kinh tế, yêu cầu hiệu quả do công nghệ mới tạo ra phải cao hơn ít nhất là 30% so với công nghệ đang sử dụng và có sức cạnh tranh trên thị trường. Các mô hình phải có sức lan tỏa, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Những mô hình trồng rau an toàn của Khoa Nông học - Trường đại học Nông lâm Huế |
Bắt tay “bốn nhà”
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cũng như xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần phải có sự liên kết “bốn nhà”: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Trước tiên là xây dựng thí điểm mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Theo đó, các ban ngành, chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc khảo sát tiềm năng, chọn những vùng đất thích hợp để tổ chức xây dựng mô hình, có sự tham gia của nông dân. Với người dân, cần chọn hộ điển hình, có kinh nghiệm và khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Các cơ quan chức năng quan tâm tổ chức cho người dân tiếp cận, làm quen với mô hình và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Mô hình phải đảm bảo sự liên kết, xâu chuỗi giữa sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước, Hội Nông dân Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Liên kết bốn nhà” trong các khâu: sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Chức năng và nhiệm cụ thể của các nhà được xác định: Nhà nước có vai trò hỗ trợ, khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. Nhà nông được nhà nước hỗ trợ vay vốn sản xuất, được nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Nhà khoa học giúp nông dân ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo sức cạnh tranh. Nhà doanh nghiệp chủ động ký hợp đồng, hỗ trợ vay vốn và vật tư nông nghiệp, thực hiện bao tiêu sản phẩm của nhà nông với giá thỏa thuận, bảo đảm lợi ích của cả hai bên.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ tổ chức sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng, liên kết với nhau trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các quy trình sản xuất an toàn; lựa chọn công nghệ, đào tạo và có chính sách thu hút đầu tư phát triển nguồn nhân lực; mở rộng thị trường tiêu thụ và công tác truyền thông về chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề quan tâm. Doanh nghiệp minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường, chất lượng sản phẩm cho người dân, nhà khoa học, nhà nước nhằm tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp yêu cầu của thị trường. Cần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu thông qua việc đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cần một chính sách hợp lý
Yêu cầu của “bốn nhà” là sau khi thực hiện thành công mô hình điểm, cần đánh giá kết quả và có biện pháp nghiên cứu, đề xuất, tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh. Ông Phùng Hữu Thạnh, Chủ nhiệm HTX Thủy Thanh 2 (thị xã Hương Thủy) cũng như nhiều ý kiến cho rằng, để nhân rộng mô hình, khâu đầu tiên là cần có chính sách đầu tư công tác quy hoạch. Các cơ quan, ban ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, khẩn trương vào cuộc rà soát, quy hoạch vùng sản xuất hợp lý. Mỗi vùng đất có những lợi thế, đặc thù riêng về điều kiện khí hậu, đất đai và con người nên cần quy hoạch, bố trí sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn mới lạ, tỉnh và ngành nông nghiệp cần có chính sách tăng cường tổ chức tham quan, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho người dân.
Thông tin liên quan: >> Mô hình nông nghiệp công nghệ cao - kỳ II: Cơ hội và thách thức |
Giống phục vụ nhu cầu sản xuất là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định năng suất và hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Các ban ngành nghiên cứu sản xuất giống chất lượng, có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, đồng thời tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Thực hiện tốt yêu cầu trên, tỉnh, các huyện, thị xã và ngành nông nghiệp có chính đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống tại chỗ; đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu, tạo ra nguồn giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất trước yêu cầu mới. Cùng với việc sản xuất giống, cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thực hiện mô hình khảo nghiệm, thí điểm để có cơ sở đánh giá kết quả và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Vang cho rằng, thực hiện thí điểm thành công nhưng không được nhân rộng sẽ gây nhiều lãng phí. Việc nhân rộng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trước tình hình mới là vấn đề cấp thiết. Nhân rộng mô hình phải gắn với tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi. Tỉnh, các huyện, thị xã và ngành nông nghiệp có chính sách thỏa đáng cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây là loại hình kinh tế đòi hỏi vốn đầu tư lớn, có thể lên đến một vài tỷ đồng, nên cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi. Nguồn vốn vay phải tương đương tổng giá trị đầu tư của từng mô hình. Cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Người sản xuất và các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ trong việc tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, nhất là các chợ đầu mối, siêu thị... Kết cầu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm là vấn đề cần được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường và các hạng mục phụ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh...
Nguồn:baothuathienhue.vn