Mơ ước của một cựu chiến binh

Ông Vi Văn Sơn là người dân tộc Thái ở bản Mát, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, sinh năm 1948. Học hết cấp 2 ông theo “nghiệp” cha mẹ và bà con dân bản phát rừng làm rẫy. Năm 1972, ông tham gia quân đội, năm 1977 phục viên ông lại tiếp tục phát rừng làm rẫy. Dẫu biết đó là vi phạm pháp luật nhưng không còn cách nào khác, bởi bản Mát toàn đồng bào dân tộc Thái sống trên địa bàn rừng núi heo hút, ngoài phá rừng làm rẫy không biết làm gì để sinh sống.
Ông cho biết, cách đây khoảng 6 năm, ông tình cờ đọc báo Nghệ An có bài viết về một điển hình cựu chiến binh tên Khôi ở Thành phố Vinh lên xã Châu Thái- Quỳ Hợp làm trang trại và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi. Vậy là trong ông lóe lên suy nghĩ: Mình cũng là cựu chiến binh, có thuận lợi hơn là sinh ra và lớn lên trên vùng đất của cha ông, quen với đồi núi, khe suối, mình phải chăn nuôi sản xuất, nếu không làm giàu thì cũng phải đủ nuôi sống gia đình. Từ suy nghĩ đó, ông bàn với vợ con chọn một con suối gần nhà đào ao đắp bờ và khai hoang ruộng nước, chỉ có ao và ruộng mới phần nào cải thiện đời sống gia đình. Nhìn đồi núi trơ trọi vì nạn phá rừng làm rẫy, qua bao năm xói mòn nay chỉ trơ lại đất trống, ông quyết định khoanh một vùng trồng rừng, đến nay rừng của ông đã được cấp quyền sử dụng đất 7 ha. Để bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, ông quyết định trồng cây keo lai. Thấy đồi cây của ông xanh tốt, nhiều bà con dân bản cũng làm theo. Ông mua bò sinh sản chăn thả, sau 5 năm miệt mài chăm chỉ, hiện nay gia đình ông đã có 7 ha keo lai gần đến kỳ thu hoạch, 43 con trâu bò, 1 mẫu ruộng và gần 1000m2 ao vừa nuôi cá vừa lấy nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng. Nếu tính theo giá hiện tại thì 43 con trâu, bò của ông có giá trên dưới 300 triệu đồng và chỉ 2 năm nữa thu hoach 7 ha keo, ông cầm chắc trong tay 400 - 500 triệu đồng từ trồng rừng và chăn nuôi.



Ông Vi Văn Sơn đang đọc báo cho bà con dân bản Mát nghe.

Cảm phục trước nghị lực của ông, các hội viên hội cựu chiến binh trong bản tín nhiệm bầu ông làm chi hội trưởng. Vừa lo việc nhà vừa lo việc hội, ông luôn động viên gia đình và người thân cùng bà con dân bản thực hiện nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tận tình giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông vinh dự được bình chọn là già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Hiện nay bản Mát có 65 hộ, 286 nhân khẩu,  đều là dân tộc Thái, bản cách trung tâm xã gần 8 km nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Mấy năm qua, đảng ủy, chính quyền quan tâm mở đường và chăm lo đời sống nhân dân, nhưng đến nay mới bắt đầu thi công đường điện. Hàng ngày, ông nghe đài, đọc báo Nghệ An để chọn những nội dung tuyên truyền cho bà con dân bản làm theo. Vừa trao đổi ông vừa đưa tờ báo Nghệ An chuyên trang Miền núi - Dân tộc có bài viết về Nậm Nhóong xây dựng nông thôn mới. Ông đã đưa báo Nghệ An ra tuyên truyền cho bà con dân bản tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Tôi hỏi ông: “Là người uy tín của bản, ông có mong muốn gì cùng chung nguyện vọng với bà con dân bản”.  Ông nói luôn: “Sắp tới có điện tôi sẽ mua ti-vi cho bà con cùng xem để biết chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tôi chỉ mơ ước là có điện, có đường đi lại thuận tiện cho con em trong bản được học hành, vì cả bản từ trước đến nay chưa có ai học lên được cấp 3. Tôi mong sao bản Mát sớm tiến kịp các xóm trong xã. Tôi tin rằng được Đảng, Nhà nước quan tâm thì bản Mát sẽ sớm thoát nghèo và thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới”. Mơ ước của ông Vi Văn Sơn cũng là mong muốn của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Đồng Hợp.

Theo baonghean.vn