Một mô hình, nơi thành công, chỗ thất bại
- Thứ năm - 27/07/2017 20:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Câu trả lời của nơi thí điểm thành công
Ở xã bãi ngang Quảng Nham (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), những ngày này, cán bộ, nhân dân đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Gần một năm về xã công tác, làm Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, đồng chí Hà Thế Anh cùng tập thể cán bộ xã đã rà soát các tiêu chí NTM chưa hoàn thành, đưa ra nhân dân thảo luận, thống nhất phương án bố trí nhân lực, vật lực thực hiện, nhằm cán đích NTM.
Nhiều công trình của xã Quảng Nham đã hoàn thành, hoặc đang thi công, như kênh thoát nước dài hơn 2 km bên tuyến đường trục chính; 12 nhà văn hóa thôn có giá trị từ 300 đến 400 triệu đồng/nhà; trường THCS có tổng mức đầu tư hơn ba tỷ đồng; trụ sở làm việc của xã. Công việc xây dựng NTM được triển khai nhanh, hiệu quả, theo đồng chí Hà Thế Anh có nguyên nhân từ mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã. Khi có nghị quyết của Ðảng ủy về xây dựng NTM, UBND xã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, tổ chức thực hiện, không phải xin ý kiến bí thư cấp ủy như trước đây cho từng dự án.
Ở Nam Sơn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) cũng vậy, sau một năm thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã cho thấy hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo đã có sự chuyển biến rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững. Ðây là nơi đồng bào dân tộc Dao chiếm hơn 90% số dân, trình độ dân trí, năng lực của cán bộ từ xã đến thôn hạn chế, cho nên việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khó khăn. Khi người đứng đầu đảm đương hai chức danh nêu trên, bộ máy cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn. Theo Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Vi Thanh Vinh, cơ chế của mô hình "nhất thể hóa" đã tạo điều kiện cho người đứng đầu phát huy năng lực trình độ, tâm huyết, đam mê, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, giảm bớt thủ tục, quy trình không cần thiết. Tuy nhiên, cần tăng cường sự giám sát của cấp trên và giám sát thông qua quy chế để hạn chế, kiểm soát việc lạm quyền của người đứng đầu. Do đó, chỉ thực hiện mô hình này khi đồng chí phó bí thư thường trực có năng lực tốt và bộ máy giúp việc có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.
Quế Lộc (huyện Nông Sơn) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam triển khai mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã. Khi đó, Quế Lộc có tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%, cơ sở hạ tầng yếu kém, việc phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Gần mười năm qua, các đồng chí được giao trọng trách làm bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch xã ở Quế Lộc đều thể hiện tốt vai trò trong chỉ đạo, điều hành. Ðến nay, diện mạo nông thôn ở đây có nhiều đổi mới, Quế Lộc được chọn là một trong hai xã điểm xây dựng NTM của huyện Nông Sơn. Nhiều năm liền, Ðảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã cho biết có yếu tố tích cực từ mô hình "nhất thể hóa", việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, điều hành luôn thống nhất, không còn tình trạng đùn đẩy, viện cớ gây chậm trễ, trì trệ như trước.
Về mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện ở 76 xã trong tổng số 186 xã và được đánh giá là phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là động lực để các xã tiếp tục có quyết sách mạnh mẽ đổi mới hệ thống chính trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho biết: Mô hình này đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, giúp cấp ủy trực tiếp nhận thông tin về việc điều hành của UBND chính xác, kịp thời, tạo điều kiện tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác, từng bước khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp phó.
Tỉnh Thanh Hóa có hơn 20 xã, phường; tỉnh Quảng Nam có chín xã, phường đang thực hiện mô hình. Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng, mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã đã góp phần nâng cao trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự tổ chức điều hành của chính quyền thuận lợi; việc xây dựng các nghị quyết của cấp ủy sát, đúng với thực tế, có tính khả thi cao, khi tổ chức thực hiện đã giảm bớt các khâu trung gian.
Vì sao một số nơi thất bại ?
Tỉnh Hà Tĩnh chọn 16 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch xã, đến nay chỉ còn hai đơn vị duy trì. Năm 2009, xã Thạch Hưng là đơn vị duy nhất được Thành ủy Hà Tĩnh triển khai thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch. Khi đó, Thạch Hưng là đảng bộ trong sạch, vững mạnh, là "điểm sáng" của thành phố. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thực hiện mô hình, Thạch Hưng bị tụt hậu, đảng bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ. Ðiều đáng quan tâm là trước khi thực hiện mô hình, đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã làm tốt vai trò của mình. Nhưng khi thực hiện mô hình, cán bộ này đánh mất bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành, có biểu hiện thu vén cá nhân, giàu lên nhanh chóng, không quy tụ được cán bộ cấp dưới, khiến nội bộ mất đoàn kết, người dân mất niềm tin, đời sống khó khăn, tình trạng lấn chiếm đất đai, khiếu kiện kéo dài chậm được xử lý, gây bức xúc trong nhân dân. Năm 2013, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh thống nhất dừng thí điểm chủ trương "nhất thể hóa" ở địa phương này. Qua đó cho thấy rõ kẽ hở, mặt trái của mô hình là thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, dễ phát sinh tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, tự tung, tự tác.
Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND thị trấn Ðức Thọ (huyện Ðức Thọ, Hà Tĩnh) Phan Văn Hải thẳng thắn: Tại cuộc họp HÐND xã, thị trấn, đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch xã, lẽ ra phải thể hiện vai trò là chủ tịch UBND để tiếp thu, giải trình các ý kiến của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu HÐND, tham mưu về giải pháp, nhiệm vụ thực hiện nghị quyết của HÐND, nhưng lại đóng vai bí thư, đứng lên chỉ đạo, điều hành HÐND, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khác. Ðó là một thể hiện sinh động về bất cập của mô hình khi người đứng đầu không phân định được từng vai trò, vị trí của mình.
Tỉnh Phú Thọ thực hiện thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch ở tám xã. Ðến nay, chỉ còn xã Tân Sơn (huyện Tân Sơn) tiếp tục thực hiện mô hình này trong nhiệm kỳ 2015-2020. Ngoài những nguyên nhân cho thấy mô hình phần nào chưa phù hợp điều kiện thực tế như ở một số địa phương khác, nhiều cán bộ, đảng viên ở Phú Thọ cho rằng, để mô hình thành công phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ. Thực tế ở một số địa phương làm thí điểm, khi đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch được điều chuyển công tác thì đã không tìm được cán bộ thay thế, cho nên hai chức danh phải bố trí hai đồng chí đảm nhiệm.
Tỉnh Hà Nam thí điểm thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở sáu xã giai đoạn 2009 - 2015, đến nhiệm kỳ 2015 - 2020, còn lại duy nhất xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm) duy trì. Một số đồng chí từng làm bí thư đồng thời là chủ tịch xã cho biết, việc một cán bộ đảm nhận "hai vai" gặp nhiều áp lực, khối lượng công việc lớn, mất nhiều thời gian dự họp, hội nghị, thiếu thời gian tập trung cho công việc, thiếu người cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm, nhất là trước việc khó, phức tạp, nhạy cảm. Ðồng chí phó bí thư đảng ủy bố trí giữ chức chủ tịch HÐND nể nang, ngại va chạm, không phát huy được vai trò giám sát của HÐND đối với hoạt động của UBND, cũng như quyết sách những vấn đề quan trọng. Một số việc của cấp ủy, chính quyền đòi hỏi phải có ý kiến chỉ đạo, chữ ký của người đứng đầu, nhưng đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã đi vắng, dẫn đến bị ngưng trệ, không giải quyết được. Chưa có hướng dẫn về thực hiện mô hình này, dẫn đến việc lãnh đạo, điều hành có vấn đề lúng túng, có lúc thiếu tự tin, nhất là cấp phó và bộ phận tham mưu, giúp việc hạn chế về năng lực. Cán bộ, nhân dân thường có suy nghĩ rằng người đứng đầu dễ độc đoán, chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa, "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Do đó, mô hình này khó nhân rộng, nhất là khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều xã chỉ được bố trí một phó chủ tịch UBND xã.
Trong thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch xã, nơi thành công, chỗ thất bại. Do vậy, tùy địa phương, cần đánh giá những nguyên nhân, điều kiện để áp dụng, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, như yếu tố vai trò, tiêu chuẩn người đứng đầu, bộ máy giúp việc và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, chính sách cán bộ,... Những địa phương áp dụng mô hình chưa thành công, cần nghiên cứu, đánh giá những nguyên nhân khách quan, chủ quan, qua đó nỗ lực khắc phục, có chương trình hành động thiết thực, phù hợp, từng bước xây dựng các điều kiện để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, khi hội đủ các yếu tố, có thể áp dụng mô hình nếu thấy thích hợp, hiệu quả.