Một số thách thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2013
- Thứ hai - 06/05/2013 03:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bốn tháng đầu năm 2013 đã khép lại, nhưng các dấu hiệu kinh tế đều cho thấy chưa có nhiều đột phá, nội lực kinh tế vẫn chưa phục hồi trong khi những thách thức được tích tụ từ trước vẫn chưa hề giảm đang gây áp lực đến khả năng tăng trưởng kinh tế của cả năm.
Xuất khẩu dệt may gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm |
Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 2013 và những thách thức do Viện Kinh tế tài chính, Học viện tài chính vừa tổ chức, các chuyên gia kinh tế “điểm mặt” những thách thức chủ yếu mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt trong năm 2013 như: tốc độ tăng trưởng tiềm năng có nguy cơ giảm sút, nợ xấu, hàng tồn kho cao đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn…
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, các yếu tố tăng trưởng tiềm năng có nguy cơ suy giảm dần do năng lực sản xuất bị giới hạn bởi năng suất lao động thấp và công nghệ lạc hậu. Cùng với đó, sau thời gian dài thắt chặt điều kiện tín dụng do lo ngại nợ xấu tăng cao và kiềm chế lạm phát, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất và phá sản, điều này khiến cho khả năng sản xuất hiện tại và trong tương lai của nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh.
Các chính sách kích thích tài khóa với quy mô lớn để giúp cho nền kinh tế tăng trưởng cao, sẽ chủ yếu dẫn đến lạm phát trong dài hạn do nền kinh tế đã ở quanh mức tăng trưởng tiềm năng của nó.
Về vấn đề nợ xấu, mặc dù chưa có một bức tranh chính xác về thực trạng nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam nhưng vấn đề này đang rất đáng lo ngại, vượt xa những báo động của Ngân hàng Nhà nước. Đây được cho là cục máu đông, điểm nghẽn của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng nếu không giải quyết được nợ xấu thì không thể tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Theo Ths. Dương Hoàng Lan Chi, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, nợ xấu hiện đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế cũng như tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng. Chính vì vậy, hạ thấp nợ xấu, thông thoáng các thủ tục cho vay vốn sẽ là những giải pháp hiệu quả để khơi thông nền kinh tế vốn đang vô cùng khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, hàng tồn kho sản phẩm cao cũng là vấn đề được hầu hết các chuyên gia đặt ra như vấn đề đáng lo ngại nhất đến sự trì trệ của nền kinh tế. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, tồng cầu xã hội giảm, tồn kho tăng đã làm cho nền kinh tế rơi vào khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Trong khi đó, sức sản xuất lại giảm sút mạnh thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý 1 chỉ tăng 4,9%. Những ngành có tồn kho cao nhất là sản xuất xe có động cơ tăng 147,3%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế 144,9%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 142%, sản xuất và chế biến thực phẩm 102,3%. Dẫn giải thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho biết, tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất hàng tháng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ tháng 7-2012 đến cuối tháng 2-2013 luôn ở mức cao khoảng 69-93%, trong khi đó tỷ lệ tồn kho ở mức an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường phải là 65%.
Trong khi đó, nguồn lực doanh nghiệp có hạn, sức mua thấp, điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp bị thu hẹp đang là trở ngại của nền kinh tế. Các doanh nghiệp năm 2012 phá sản, doanh nghiệp còn lại hoạt động chỉ 30-40% công suất vì lượng tồn kho nhiều, sức mua thấp. Trong quý 1-2013 số doanh nghiệp phá sản bằng số doanh nghiệp mới thành lập, theo các chuyên gia, đây là thách thức không nhỏ của nền kinh tế.
Ngoài ra, chuyên gia Ngô Trí Long còn nhấn mạnh đến thách thức do niềm tin về nền kinh tế đang bị suy giảm. Điều này được thể hiện nhà đầu tư không đưa vốn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng chi tiêu, nên tổng cầu và tổng cung năm 2013 khó cải thiện. “Năm 2013 là năm niềm tin của thị trường bị giảm sút nghiêm trọng, muốn xúc tiến thương mại đầu tư trước hết các chính sách phải lấy lại niềm tin cho thị trường. Với thị trường bất động sản, khủng hoảng niềm tin còn đáng sợ hơn rất nhiều… Do vậy, cần tạo dựng niềm tin nền kinh tế nói chung và đặc biệt là niềm tin của thị trường bất động sản để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế”- ông Long nhấn mạnh.
Các chuyên gia đều chung nhận định rằng, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những thách thức trên sẽ là cản trở lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2013. Trước những nhận định đó, hầu hết các chuyên gia đều đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2013 chỉ đạt mức tương đương năm 2012 hoặc thậm chí thấp hơn. Xuất khẩu cũng không có biến động nhiều và cũng chỉ tương đương mức của năm 2012. Thu ngân sách Nhà nước trong trường hợp khả quan nhất chỉ có thể đạt mức dự toán.
Theo baohaiphong.com.vn