Một số vấn đề về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp. Triển khai chủ trương của Chính phủ, ngành Ngân hàng đang tích cực triển khai chương trình, tuy nhiên, đây là một hướng phát triển mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án, vốn đầu tư cho dự án lớn… Thực tế này đòi hỏi cần sớm có những giải pháp từ phía các bộ, ngành liên quan nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian tới

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ sở khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất đối với ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị cho phù hợp với tình hình mới.

Thực hiện chủ trương trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Theo đó, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Cụ thể, ngày 9/6/2015, NHNN đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về cơ cấu lại chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP).

Đây là bước đột phá, đẩy mạnh đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định chính sách tín dụng, khuyến khích, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, liên hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị, trường hợp các DN đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, thậm chí xóa nợ.

Gần đây, tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các NHTM, chủ lực là các NHTM Nhà nước thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).

Tại Thông báo 173/TB-VPCP ngày 31/3/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo NHNN ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tháng 4/2017.

Trên cơ sở đó, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Theo đó, các đối tượng vay vốn như: Pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất – kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN) sẽ được xem xét vay vốn với lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM, phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN.

Ngoài ra, theo chương trình này, các đối tượng hưởng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ sẽ đồng thời được hưởng các chính sách theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực

Tính đến cuối tháng 5/2017 dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bình quân trong 7 năm (2010-2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông, nông thôn là 19,35%/năm.

Kết quả triển khai chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo ghi nhận ban đầu của NHNN là gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 DN), trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu. Nổi bật như Agribank đã dành 50 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả nhưng chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang có một số vướng mắc sau:

- Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là hướng phát triển nông nghiệp mới, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai.

- Vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn và giá thành trên một đơn vị ản phẩm khá cao. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.

- Hiện nay, các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới… chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho DN trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và giải quyết hiệu quả những tồn tại, thời gian tới cần tới sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Một số nội dung cần quan tâm giải quyết trước mắt như:

Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo vay vốn ngân hàng;

Thứ hai, đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao;

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả…      

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 55/2015/NĐ-CP về cơ cấu lại chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP;

2. Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”;

3. Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
 

Theo báo Tapchitaichinh.vn