Muốn dân tin, đừng xa dân

Muốn dân tin, đừng xa dân
Cuối tháng 7 năm 2016 cách đây đúng 1 năm, ngay sau khi được QH khóa XIV bầu và phê chuẩn là Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa nêu bật nguyên tắc xây dựng Chính phủ minh bạch, liêm chính, hành động vì nhân dân.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định lại: Việc Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.

Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân.

Xây dựng nền hành chính vì dân tức là phải phục vụ dân tận tình, chu đáo và tạo điều kiện tối đa cho dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Hơn một năm trôi qua, kể từ sau khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ từ cuối nhiệm kỳ QH khóa XIII cho đến tròn một năm của nhiệm kỳ QH khóa XIV, những vụ việc như quán cà phê Xin chào hay chuyện của cửa hàng bán điện thoại cùi bắp (đều ở TP Hồ Chí Minh) mà Thủ tướng phải trực tiếp cho ý kiến có vẻ ít đi.

Nhưng điều đó tiếc rằng, không đồng nghĩa sự chuyển động của nhiều cơ quan nhất là các cơ quan công quyền gần dân, sát dân (ở cấp quận, huyện, phường, xã) đã thực sự theo hướng tích cực; nếu không nói là vẫn có hiện tượng giẫm chân tại chỗ ở nhiều nơi.

Vụ việc tại phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội; hay vụ việc của một nữ Phó Chủ tịch Quận cũng tại Hà Nội gây xôn xao dư luận trong những ngày qua có thể được coi là một ví dụ cho sự nhũng nhiễu, vô cảm và thái độ kẻ cả vẫn hoành hành ở một số chính quyền cấp cơ sở khiến người dân không khỏi bức xúc.

Còn ở tầm mức quốc gia, với các bộ, ngành nhiều khi Thủ tướng vẫn phải “xắn tay” chỉ đạo những vụ việc mang tính sự vụ cho thấy thêm một ví dụ về sự chậm chuyển động trong cơ quan công quyền. 

Phát biểu trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi nói về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã nhấn mạnh: Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển. 

Có lẽ, chính vì lý do này mà, Đại hội XII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, với trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Có điều, “Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.”- Tổng Bí thư nói.

Nghị quyết của Trung ương đã nói rõ; cán bộ đảng viên trên cả nước đều đã được học tập Nghị quyết, người ít thì một lần người nhiều thì hai hay ba lần.

Lạ là, một số cán bộ, đảng viên mà lại là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí gần gũi với nhân dân lại khó tiếp thu. Điều đó cho thấy sự nguy hại ở chỗ, dân ngày càng ít đặt niềm tin vào cán bộ và cơ quan công quyền.

Và, nó nguy hại hơn khi chúng ta có cả hệ thống giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức nhưng hệ thống các cơ quan kiểm tra ấy chưa phát huy được tác dụng như chức năng, nhiệm vụ và như kỳ vọng.

Vụ việc quán cà phê Xin chào hay cửa hàng điện thoại cùi bắp được giải quyết sau khi báo chí đưa tin. Còn vụ việc Phó Chủ tịch Quận Thanh Xuân và vụ việc Phó Chủ tịch và nhân viên bộ phận một cửa phường Văn Miếu thì được giải quyết sau khi vụ việc được đưa lên mạng xã hội.

Nói cách khác người ta khó có thể xóa đi cái cảm giác là một số cơ quan công quyền chỉ khi bị dư luận lên án mới nghĩ đến việc thôi hành dân. 

Trở lại với câu chuyện của một gia đình công dân phường Văn Miếu, còn cho thấy một hậu quả khác của việc mất niềm tin.

Ấy là, lòng tin giờ dường như là thứ của hiếm khiến người dân sau khi bị “bẻ hành, bẻ tỏi” ở cơ quan công quyền cấp dưới đã không đi tìm công lý ở cơ quan công quyền cấp trên; mà bằng những cách riêng của mình, tìm cách tìm lại công bằng bằng cách chia sẻ công khai trên mạng xã hội. 

Cũng cần nói thêm, người ta làm thế ngay cả khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở ta đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh; bởi vì, tâm lý “chờ được vạ, má đã sưng”.

Lỗi để dân không tin vào cơ quan công quyền, trước hết phải do chính thái độ ứng xử của cán bộ công quyền. Mà, thái độ vô cảm, quan liêu, xa dân ấy chẳng phải là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hay sao?

Và từ thái độ ấy, theo như Tổng Bí thư chỉ ra, nó dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường…

Vì thế, giờ nếu muốn lấy lại niềm tin nơi dân sẽ không có cách nào khác là chính cán bộ và các cơ quan công quyền phải xác định: Xây dựng nền hành chính vì dân tức là phải phục vụ dân tận tình, chu đáo và tạo điều kiện tối đa cho dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Cùng với đó, hệ thống giám sát từ trung ương đến cơ sở cũng cần vận hành trơn tru nhưng không theo kiểu kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc khi có vụ việc nổi cộm mà nên có những cuộc “vi hành” đột xuất để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm của cơ quan công quyền. Nếu làm và làm thật sự, lo gì không lấy lại được niềm tin nơi dân.

    Hoàng Mai/daidoanket.vn