Mỹ tăng rào cản, Việt Nam phải khẩn cấp nâng cao chất lượng cá tra
- Thứ tư - 09/12/2015 21:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cơ quan giám sát An toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) đã quyết định ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes, trong đó có cá da trơn và cá tra của Việt Nam.
Về những ảnh hưởng của “Quy định cuối cùng” đối với sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam và Việt Nam phải nghiêm túc nhìn nhận thực trạng sản xuất trong nước để nâng cao chất lượng, VOV.VN phỏng vấn ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam |
PV: Thưa ông, việc Mỹ quyết định ban hành “Quy định cuối cùng” gây khó khăn như thế nào cho các DN sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa trong nước và lộ trình đến tháng 3/2016 phải áp dụng có quá gấp gáp?
Ông Võ Hùng Dũng: Chắc chắn là khó khăn nhiều. Những người trong ngành cá tra đang băn khoăn việc Mỹ đưa nói việc áp dụng các tiêu chí này được thực thi cả với DN trong và ngoài nước Mỹ. Nhưng đã có trường hợp thịt gà của Thái Lan, Mỹ cho áp dụng tiêu chuẩn tương đương. Sau nhiều năm, Thái không được Mỹ công nhận là tiêu chuẩn tương đương để được bán hàng vào Mỹ. Nhiều người đang liên tưởng tới chuyện là có thể Mỹ áp dụng một rào cản để không cho cá tra của Việt Nam vào Mỹ. Cái đó có ảnh hưởng lớn và chúng ta cần phải lường trước.
Về thời điểm áp dụng, khó có thể nói rằng là gấp hay không gấp. Nếu Chính phủ Mỹ muốn thực hiện thì đã triển khai từ trước rồi nhưng có nhiều lý do khiến họ trì hoãn tới ngày hôm nay. Thông tin về Farm Bill có từ lâu rồi, nhưng vấn đề là để làm một kỹ thuật tương đương thì cực kỳ khó, không phải vài tháng, vài năm mà thậm chí cả chục năm mà chưa biết là có thành công hay không.
Phía Hoa Kỳ đưa ra một thời gian chuyển tiếp là 18 tháng nhưng bây giờ họ vẫn chưa công bố các tiêu chí cụ thể nên chưa ai có thể hình dung ra được. Hiện DN đang rất lo về thị trường. Chúng tôi đã làm việc với cơ quan liên quan để trợ giúp về vấn đề này.
PV: Liên quan đến việc thực thi “Quy định cuối cùng” khó khăn của chúng ta hiện nay là tiền để đầu tư hay tiêu chí đưa ra quá khó mà không đáp ứng được, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng: Khó khăn thì có rất nhiều, bây giờ chưa thể hình dung hết được vì phía Mỹ chưa đưa ra bộ tiêu chí. Thế nhưng, ngay ở Việt Nam, chúng ta thực hiện tiêu chí Vietgap cũng đã rất khó khăn. Mới chỉ có Vietgap của Việt Nam đã khó khăn như vậy còn thực hiện các tiêu chuẩn của Mỹ thì chưa biết tình hình sẽ như thế nào. Vì tới thời điểm này vẫn chưa có tiêu chuẩn đó.
Ngoài ra, tiền bạc thì lấy ở đâu để chi ra? Nếu là người nông dân và doanh nghiệp thì chi phí bỏ ra cực lớn. Chỉ lấy phần thực hiện Vietgap thôi thì đã thấy DN có thể đáp ứng được nhưng với nông dân thì hơi khó.
Một vấn đề nữa là cho dù chúng ta có nỗ lực như vậy thì liệu Mỹ có công nhận để bán được hàng vào thị trường Mỹ lại là vấn đề. Thị trường Mỹ chiếm tới 20% thị phần và một năm xuất khẩu vào Mỹ hơn 300 triệu USD, con số không hề nhỏ. Nếu không vào được thị trường này thì rất khó khăn cho ngành sản xuất cá tra, chi phí đầu tư lớn mà lại mất thị phần có khi giá cả lại sụt giảm. Đó là bài toán rất thực tế của DN.
PV: Liệu chúng ta có dự tính được Vietgap đáp ứng được bao nhiêu phần trăm những tiêu chí phía Mỹ sẽ đưa ra không, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng: Không thể tính được. Ví dụ, Vietgap, ASC, Global GAP, BAP có tiêu chí cụ thể thì người ta có thể ước tính được vì đã được công bố. Giờ ngồi rà soát thì có những tiêu chí của Vietgap cao hơn, bằng hoặc thấp hơn các tiêu chí trên. Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng đã trao đổi với các tổ chức để công nhận tương đương. Còn lần này thì chúng ta chưa biết được bất kỳ tiêu chí nào của phía Mỹ nên chưa thể biết được là đáp ứng được bao nhiêu.
Vấn đề bây giờ là khi chúng ta thực hành được Vietgap thì đã có một nền sản xuất căn bản, các tiêu chí cũng rất căn bản nếu theo tiếp một số tiêu chí cao hơn nữa cũng nhanh hơn, dễ hơn hiện nay. Tôi muốn nói rằng, với một nền sản xuất hiện nay thực hiện Vietgap thì cũng còn nhiều khó khăn, tới mức Bộ NN-PTNT tính lùi lại thời gian thực hiện Vietgap từ năm 2015 sang 2016. Trong trường hợp đó nếu áp dụng những tiêu chí phía Mỹ ban hành thì tôi thấy khoảng cách còn rất xa.
Việt Nam đang mất dần vị thế tại các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU |
PV: Đối với “Quy định cuối cùng”, trong các cuộc đàm phán tới đây chúng ta sẽ đưa ra các vấn đề gì với phía Mỹ, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng: Phần lớn công việc này là của các Bộ, ngành của Chính phủ. Phía Hiệp hội cá tra, VASEP đã có ý kiến. Quan điểm của chúng tôi là phản đối phía Mỹ vì qui định như vậy là vi phạm WTO. Theo cơ chế của WTO thì có thể khởi kiện lên WTO.
Thứ hai, đây là cách thức để làm rào cản nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Thế nhưng ngành cá không chỉ tạo công ăn, việc làm, mưu sinh cho người dân khu vực ĐBSCL mà chính nó cũng tạo công ăn việc làm cho phía Mỹ, những nhà cung cấp, nhà hàng, khách sạn… hoặc những đối tượng chế biến lại để tạo giá trị gia tăng trên thị trường Mỹ. Hạn chế như vậy là vi phạm quy định trong WTO đồng thời cũng gây khó khăn cho ngành cá của Việt Nam và cho chính thị trường công ăn việc làm của họ.
Trong phần phản đối có tính đến việc kiện ra WTO, tuy nhiên mặt khác cũng phải tính đến sản xuất trong nước. Chúng ta cũng phải cấp bách nâng cấp chất lượng sản xuất chứ không phải chỉ tính việc kéo dài việc thực hiện Vietgap. Bởi Vietgap mới là sản xuất căn bản của Việt Nam còn so với chuẩn của nước ngoài cũng còn có khoảng cách. Khoảng cách này càng xa thì càng khó kỳ vọng chúng ta thực hiện được những tiêu chuẩn họ đưa ra.
Chúng tôi cũng kiến nghị với các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, trong thảo luận cũng cần có một lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn cho thích hợp, không gây thiệt hại đối với ngành cá của Việt Nam, cũng như không vi phạm WTO. Bộ NN-PTNT cũng cần gấp rút thảo luận với Bộ Nông nghiệp Mỹ.
PV: Theo cảm nhận của ông, các DN của Việt Nam có sẵn sàng thay đổi qui trình để thích ứng với điều kiện sản xuất mới hay không?
Ông Võ Hùng Dũng: Thực sự phía DN, hộ nuôi thì cố gắng làm nhưng bù lại phải đánh đổi bằng chi phí cao. Thực tình, nền sản xuất, đặc biệt sản phẩm cá của chúng ta đang sa vào tình trạng chất lượng thấp. Tính sẵn sàng của DN để thay đổi lại không cao. Nếu Nghị định 36 mà được thực hiện mạnh dạn thì có lẽ tình trạng chất lượng cá của chúng ta có thể cải thiện, ổn định hơn; sự thích ứng tiêu chuẩn của Mỹ có thể dễ dàng và cao hơn. Nhưng hiện tại, quá trình này đang diễn ra theo xu hướng kéo dài thời gian thực hiện Vietgap nữa, nghĩa là nhượng bộ trước thực tế sản xuất. Bây giờ những phần sản xuất trong nước, những qui định của chính phủ thì người nuôi cho rằng thực hiện không nổi vì chi phí cao. Vậy với những qui định của Mỹ nếu anh không làm theo họ thì họ không cho anh vào thị trường. Chúng ta có thể phản đối, kiện họ hoặc thậm chí làm nhiều cách khác nhưng phía Mỹ vẫn kiên quyết không thay đổi mà ta không đáp ứng được thì phải chịu.
Nói đi thì phải nói lại, chúng ta cũng phải tính đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm chứ không phải chỉ vì đối phó với Farm Bill mà vì thị trường. Bán hàng cho người mua trong hay ngoài nước thì đều phải có chất lượng. Tình trạng sa sút chất lượng cá hiện nay đang diễn ra rất nhiều nơi. Tâm lý thị trường Mỹ và EU cũng cảm thấy không thích thú với sản phẩm của chúng ta. Thị phần EU và Mỹ hiện nay của ta giảm liên tục, xuất khẩu cũng giảm, trong khi lại tăng ở thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Chúng ta đang sa dần vào những thị trường có chất lượng thấp.
PV: Xin cảm ơn ông!/.