NN ĐBSH: Chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

NN ĐBSH: Chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, hiện nay là thời điểm khó khăn chung đối với hoạt động sản xuất. Việc phát triển ổn định chăn nuôi trong điều kiện hiện nay không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong cung ứng thực phẩm, đồng thời còn bảo đảm sinh kế.

cndich1result_20200324171721.jpg
Chăn nuôi bò thịt nhốt chuồng tại xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên).

Hưng Yên: Chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo tổng hợp của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo báo cáo nhanh của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tổng đàn lợn tính đến thời điểm hiện tại khoảng 385.000 con, trong đó lợn nái khoảng 40.700 con, lợn thịt 344.000 con; đàn gia cầm trên 8 triệu con, đàn trâu, bò trên 35.000 con. Giá thịt lợn hơi dao động ở mức trên 80 nghìn đồng/kg, giá thịt gà từ 100 -110 nghìn đồng/kg, giá thịt bò 75-80 nghìn đồng/kg.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi với quy mô đàn khá lớn. Nổi bật như trang trại Hưng Việt tại xã Thuần Hưng (Khoái Châu) thuộc Tập đoàn Mavin hiện chăn nuôi 1,5 nghìn con lợn giống sinh sản, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 10 nghìn con lợn giống. Đây là nguồn cung ứng thực phẩm lớn, đồng thời là nguồn cung ứng con giống chất lượng phục vụ sản xuất. Các trang trại này vẫn đang duy trì sản xuất hiệu quả, an toàn, không xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, tổng đàn vật nuôi bố mẹ được chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thường xuyên chiếm 10 - 15% tổng đàn. Đây là lợi thế lớn để nông dân chủ động sản xuất, sẵn sàng tăng đàn, tái đàn khi có điều kiện, có nhu cầu.

Đối với tình hình thực tế chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đối với đàn gia súc, gia cầm giống tại các cơ sở, hộ chăn nuôi  phục vụ cho kế hoạch tái tạo đàn năm 2020. Khuyến khích tái đàn, tăng đàn tại các trang trại chăn nuôi đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, với nguồn con giống tại chỗ. Những tháng đầu năm, phòng chuyên môn của tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai công tác giám định, bình tuyển, đánh giá chất lượng đàn gia súc, gia cầm giống trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững.

Hà Nội: Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm: Tăng cường giám sát xử lý tại chỗ

 Thời điểm hiện tại, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh trên vật nuôi phát triển, gây dịch bệnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, hiện các địa phương đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường giám sát tại chỗ và nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

1lhir-1577406320292363608345-crop-1577406325343639098500.jpg
Ảnh minh họa.

Hiện nay, người dân ở các địa phương tập trung tái đàn, phát triển chăn nuôi nhưng do thời tiết mưa, rét bất thường khiến nhiều mầm bệnh trong môi trường phát triển, nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Ông Đặng Hữu Hỷ ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cho biết, trang trại của gia đình hiện có 20.000 gà đẻ trứng, chăn nuôi theo quy trình khép kín. Dù vậy, ông rất lo lắng bởi nhiều hộ xung quanh vẫn chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn.

Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện là 231.320 con. Huyện có một cơ sở giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc (công suất 1.500 con/ngày), trong đó 60% số lợn giết mổ nhập từ các tỉnh, thành phố khác - đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế, thời điểm đầu năm, trên địa bàn huyện tái phát một ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở xã Vạn Phúc, dù bệnh dịch đã qua 30 ngày không phát sinh nhưng người chăn nuôi ở đây vẫn rất lo lắng.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở 5 xã thuộc 2 huyện (Chương Mỹ và Mê Linh) tại 10 hộ chăn nuôi. Ngoài ra, dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đến nay cơ bản được khống chế, nhưng do không có vắc xin phòng bệnh, vi rút này lại có sức đề kháng cao nên rất dễ tái phát.  Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen buôn bán, giết mổ động vật nhỏ lẻ; việc sử dụng thịt tươi, mua, bán gia súc, gia cầm sống còn phổ biến… cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện việc thống kê, quản lý chặt chẽ tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Mặt khác, các xã, thị trấn đã tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh…). Huyện cũng tăng cường tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…

Ngoài các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố theo phương châm giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở để sớm phát hiện, bao vây, xử lý ổ dịch theo quy định, không để lây lan diện rộng. Đặc biệt, tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố, các đầu mối giao thông duy trì hoạt động 24/24 giờ nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.

Ngoài ra, Sở chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch; đồng thời, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khi có dịch phải báo ngay cho chính quyền địa phương, không vứt xác động vật bừa bãi ra môi trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan…

Thanh Hóa: Không còn bệnh dịch cúm gia cầm H5N6

Từ ngày 3-2-2020 đến ngày 25-3-2020, bệnh cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra tại 18 xã, 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, gồm: Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, TP Thanh Hóa, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Tĩnh Gia và thị xã Bỉm Sơn, đã làm 7.297 con gia cầm mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 54.465 con gia cầm. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm bao vây ổ dịch trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp có gia cầm bị chết sau tiêm phòng và đã được tiêu hủy kịp thời.

unnamed.jpg
Hiện, đã qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không phát sinh thêm ổ dịch H5N6 mới.

 

Để ngăn chặn, kiểm soát, bệnh dịch cúm gia cầm H5N6, thời gian qua, toàn ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện các biện phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm H5N6. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, tất cả các ổ dịch cúm gia cầm đã được khống chế hoàn toàn. Hiện đã qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cũng đã hoàn thành xong các thủ tục công bố hết dịch.

Tại buổi làm việc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã trao văn bản thẩm định công bố hết dịch hết bệnh dịch cúm gia cầm H5N6 trên địa bàn phường Đông Sơn cho UBND thị xã Bỉm Sơn. Đây là đơn vị cuối cùng của thị xã và của tỉnh được công bố hết dịch cúm gia cầm H5N6.

Như vậy, đến ngày 25-3-2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn bệnh dịch cúm gia cầm H5N6./.

 Theo Thanh Tâm  (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn