Nan giải xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng

Nan giải xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng
Tàn dư các loại thực vật trên đồng ruộng và đất canh tác hoa màu sau mỗi mùa vụ sản xuất đang là vấn đề nan giải của cả cơ quan chức năng và bà con nông dân. Mặc dù, khó thống kê cụ thể nhưng tàn dư thực vật hàng năm trên đồng ruộng, nương bãi khá lớn. Điều dĩ nhiên là khối lượng qua mỗi mùa vụ sản xuất lại được tích lũy, tăng thêm.

Thông thường, sau khi thu hoạch mùa vụ, bà con nông dân có thói quen đốt rơm rạ, thân các loại cây như ngô, lạc, đậu, vừng… Tuy nhiên, hình thức này cũng chỉ mới giải quyết được một phần. Đối với người dân ở những nơi chưa biết áp dụng KHKT vào việc chế biến sản phẩm phụ của nông nghiệp để làm thức ăn cho chăn nuôi và tận dụng cho các mục đích khác thì đồng ruộng, nương bãi càng chất chứa nhiều rơm rạ, thân cây hoa màu. Số diện tích đất chỉ sản xuất 1 vụ trong năm thì khoảng thời gian không canh tác còn là điều kiện thuận lợi cho cỏ dại và các loại thực vật khác phát triển. Tất cả nếu không được thu gom, xử lý triệt để hoặc thực hiện không đúng cách sẽ là nơi trú ngụ, phát sinh nhiều loại vi sinh vật gây hại cho cây trồng.

Nan giải xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng

Đốt rơm rạ, thân các loại cây hoa màu sau khi thu hoạch chỉ giải quyết được một phần tàn dư các loại thực vật có hại cho đồng ruộng. Ảnh: Đậu Bình

Đáng lo ngại hơn cả là tàn dư của một khối lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các loại phân bón hóa học. Trong quá trình canh tác, do quan tâm, chú trọng đến năng suất, sản lượng nên bà con nông dân thường sử dụng nhiều hợp chất hóa học và thuốc BVTV. Không có mùa vụ nào, loại cây trồng nào thiếu 2 thứ đó. KHKT đã góp phần to lớn vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng tất cả không phải đều đưa lại kết quả theo ý muốn chủ quan, bởi cho đến nay, việc đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường khi sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV vẫn là bài toán khó.

Có một nguyên tắc mà ngay cả người nông dân bình thường cũng dễ hiểu là việc sử dụng các sản phẩm phân bón hóa học và thuốc BVTV cần phải thận trọng, đúng liều lượng, quy trình và thời gian hợp lý. Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác. Có thể khẳng định rằng, các loại phân lân, đạm, ka-li, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích cây trồng phát triển đều là những tác nhân làm ô nhiễm nguồn nước và chai sạn đất sản xuất. Mức độ nặng hay nhẹ, tùy theo số lượng sử dụng. Trong khi đó, chính cả cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp cũng coi các loại phân bón và thuốc BVTV như con dao 2 lưỡi.

Nếu người nông dân được tập huấn và sử dụng theo hướng dẫn thì có tác dụng cho cây trồng phát triển, đồng thời, hạn chế được sâu bệnh phá hại, góp phần bảo vệ mùa màng, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Mặc dù, năm nào, ở đâu, các lớp tập huấn cũng được mở, cán bộ chuyên môn theo sát bà con nông dân. Các tổ chức như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… đến các hộ nông dân tiêu biểu ở các thôn, xóm đều được truyền đạt cách thức sử dụng phân bón, thuốc trừ cỏ, diệt sâu bọ, đến ngâm ủ giống ra sao… Vậy nhưng, việc sử dụng lại phụ thuộc vào tính chủ quan. Sử dụng hàng ngày nhưng không tuân thủ đúng quy trình, hoặc lạm dụng quá mức thì chắc chắn hại nhiều hơn lợi.

Nan giải xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng

Mô hình xây dựng thùng rác trên đồng ruộng ở xã Hòa Hải đã được các địa phương trên địa bàn huyện Hương Khê học hỏi và triển khai thực hiện. Ảnh: Thu Hà

Không chỉ các chuyên gia đầu ngành mà ngay cả bà con nông dân cũng thừa biết rằng, mỗi hạt lúa, củ khoai, quả cà… dù ít hay nhiều đều “dính” chất độc hóa học, gây tổn hại đến sức khỏe con người. Biết vậy, nhưng việc xử lý tàn dư, hay nói chính xác là hậu quả của việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV đã đến mức không thể coi thường. Thêm vào đó là công tác quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng nhiều nơi bị buông lỏng nên bà con nông dân hầu như tự do sử dụng. Đặc biệt, tình trạng phân bón giả, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường vẫn được tuồn ra đồng ruộng ngày một nhiều.

Hà Tĩnh có tổng diện tích đất canh tác khá lớn. Trong khi đó, trên địa bàn vẫn chưa có một dự án hay giải pháp hữu hiệu nào về việc xử lý tàn dư thực vật trên đồng ruộng nói riêng, diện tích đất canh tác lúa và hoa màu nói chung. Vấn đề này nếu được quan tâm, triển khai thực hiện sẽ góp phần làm đồng ruộng sạch hơn, đồng thời, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm ô nhiễm môi trường do phế thải nông nghiệp, nhất là thuốc BVTV và các loại phân bón vô cơ. Ở đâu cũng vậy, vụ sản xuất nào mà điều tiết hài hòa giữa các yếu tố, gặp thời tiết thuận lợi thì đưa lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Cùng với chủ động nguồn nước tưới tiêu, bảo đảm chất lượng giống tốt, tuân thủ đúng lịch thời vụ thì việc xử lý tàn dư thực vật trên diện tích đất canh tác một cách hợp lý sẽ tạo điều kiện cho cây trồng phát triển, hạn chế sâu bệnh phá hại, đồng thời, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đang ngày một xấu đi.

Xuân Báu
Theo baohatinh.vn