Nâng cao chất lượng các mô hình dịch vụ: Khi phụ nữ làm chủ
- Thứ bảy - 11/05/2019 19:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với phương châm “Hướng hoạt động về cơ sở, lấy sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ làm thước đo kết quả hoạt động phong trào và công tác hội tại các địa phương”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã dành nhiều tâm huyết, đầu tư, hỗ trợ các mô hình dịch vụ, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế tổ, nhóm và kinh tế hộ gia đình.
Thu hút nguồn lực
Nhằm tạo động lực cho phụ nữ triển khai thực hiện các mô hình dịch vụ, Hội LHPN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã đưa việc phát triển xây dựng mô hình kinh tế mới hoặc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng mô hình hiện có thành một trong những nội dung, tiêu chí chấm điểm thi đua thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Gia đình chị Lý Thị Sinh, thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn (Ba Chẽ) chăm sóc đàn gà do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ giống. Ảnh: Hoàng Giang.
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động tìm kiếm và thu hút nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh như: Chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất cho người dân ở khu vực đặc biệt khó khăn (vùng 135); chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; Đề án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ vùng đô thị do Trung ương Hội LHPN Việt Nam quản lý; Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển TP Uông Bí, CLB Doanh nhân nữ cấp tỉnh, huyện... để triển khai trên 20 loại mô hình kinh tế theo quy mô tổ - nhóm và hộ gia đình với trên 8.717 thành viên tham gia.
Để đảm bảo các mô hình được phát triển bền vững, việc tham mưu, đề xuất và xây dựng mô hình ở các địa phương đã được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển và xây dựng sản phẩm chủ lực nhằm gắn mô hình với các lợi thế về cơ chế chính sách, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường của từng địa phương.
Trong giai đoạn 2013-2018, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng mới và củng cố, phát triển trên 20 mô hình kinh tế với 341 điểm, cơ sở thực hiện. Trong đó, Trung ương và tỉnh hỗ trợ xây dựng 46 điểm, cơ sở 295 điểm, cơ sở do địa phương tự tìm kiếm nguồn lực xây dựng. Có thể kể đến các mô hình: Trồng chè hoa vàng tại xã Thanh Sơn (Ba Chẽ); nuôi gà lai chọi tại xã Tràng Lương (Đông Triều); trồng nấm tại xã Quảng La (Hoành Bồ); trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiền An (Quảng Yên); mô hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống, làm bánh, may mặc thời trang... tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Các mô hình này đã góp phần vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương.
Cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống
Hoạt động xây dựng mô hình kinh tế dịch vụ của các cấp hội phụ nữ đã được triển khai thống nhất và gắn với phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Chính vì vậy, các mô hình do các cấp hội triển khai thực hiện và quản lý đã tạo ra việc làm tại chỗ và mang lại thu nhập khá ổn định cho gần 9.000 hộ gia đình hội viên phụ nữ, trong đó 65% là phụ nữ nghèo và cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Bằng ý chí quyết tâm và sự cần cù, chịu khó, nhiều chị em đã từng bước mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình mà bản thân họ chính là người quản lý trực tiếp. Nhiều mô hình đã mang lại cho gia đình hội viên phụ nữ thu nhập từ 80-120 triệu đồng/hộ/năm.
Được thành lập vào cuối tháng 3, CLB Phụ nữ phát triển kinh tế dịch vụ tại phường Nam Hòa (TX Quảng Yên) đã nhận được sự quan tâm của nhiều hội viên phụ nữ. Chị Vũ Thị Hương, Chủ nhiệm CLB, cho biết: CLB gồm 20 thành viên là hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Các thành viên tham gia sẽ được tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, học tập giao lưu với các xã, phường ở thị xã cũng như toàn tỉnh. Đây là cơ hội tốt để chị em phụ nữ nâng cao hiểu biết về các loại hình dịch vụ, vận dụng vào thực tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính mô hình mà mình đang tham gia quản lý.
Theo tìm hiểu được biết, các hội viên phụ nữ tham gia CLB trên cơ sở tự nguyện, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ trong sản xuất, kinh doanh. Chị Hoàng Thị Thảo, khu 3, phường Nam Hòa, chia sẻ: “Gia đình tôi đang kinh doanh dịch vụ cơ khí và đan lát, cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng. Khi tham gia vào CLB ngoài việc được hỗ trợ về vốn kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm, tôi còn mong muốn có thêm đơn đặt hàng để tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Không những thế, tôi còn muốn được giúp đỡ hội viên là phụ nữ nghèo trên địa bàn có việc làm và từng bước vươn lên thoát nghèo hiệu quả...”.
Chị Hoàng Thị Thảo (khu 3, phường Nam Hòa, TX Quảng Yên) với mô hình dịch vụ kinh doanh cơ khí, đan lát tại hộ gia đình.
Có thể thấy, việc phụ nữ tham gia vào các mô hình kinh tế cũng đã phần nào khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời đại mới hiện nay. Họ đã biết sáng tạo, vận dụng, khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương để đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.