Nâng cao hiệu quả tổ đồng quản lý nghề cá

Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Hà Tĩnh (CRSD) được triển khai đã tác động tích cực đến nhận thức của ngư dân vùng địa phương. Các tổ đồng quản lý nghề cá đã phát huy được vai trò, tích cực trong việc quản lý bảo vệ ngư trường vùng biển ven bờ.
 

Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Hà Tĩnh (CRSD) bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2013, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đến nay, BQL dự án phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng được 9/10 mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ.

Nâng cao hiệu quả tổ đồng quản lý nghề cá

Tham gia tổ đồng quản lý nghề cá, nhận thức, niềm tin của ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nâng lên rõ rệt

Từ đó nhận thức, niềm tin cộng đồng ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nâng lên rõ rệt, tích cực tham gia góp ý xây dựng kế hoạch tổ quản lý một cách tích cực, sát với tình hình, đặc điểm ngư trường nguồn lợi thủy sản của cộng đồng.

Đặc biệt, một số ngư dân từ bỏ không khai thác các loài thủy sản bản địa quý hiếm chưa đạt kích thước cho phép khai thác hoặc trong thời kỳ mang trứng như: tôm hùm, ghẹ trứng, ốc hương ...

Ông Nguyễn Viết Hùng – Trưởng phòng Quản lý khai thác hải sản Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợ thủy sản cho biết: Từ chỗ ngư trường “mạnh ai nấy làm”, đến nay các tổ đồng quản lý đã chủ động phối hợp với các địa phương, lực lượng BĐBP ven biển tích cực tham gia quản lý hoạt động tàu cá tại vùng biển ven bờ. Theo đó, tình trạng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển ven bờ giảm rõ rệt, đặc biệt là vi phạm sai vùng biển theo quy định của tàu giã kéo đôi.

Công tác quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là có sự tham gia của cộng đồng ngư dân. Ngư dân đã chủ động bàn bạc với các cơ quan chức năng trên địa bàn để triển khai kế hoạch và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động tàu cá trên địa bàn.

Một số tổ đồng quản lý còn gây quỹ hoạt động để bà con ngư dân có trách nhiệm, gắn bó hơn. Hoạt động đường dây nóng bảo vệ khai thác và nguồn lợi thủy sản đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các cộng đồng ngư dân. Ngư dân trao đổi thông tin hoạt động tàu cá trên biển với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước một cách liên tục, kịp thời, đặc biệt là các trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp để phối hợp xử lý.

Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Tiến độ triển khai mô hình đồng quản lý trên địa bàn hiện đạt trên 80%. Các tổ đồng quản lý triển khai khá tốt công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động tàu cá trên biển; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cộng đồng ngư dân, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Các bên liên quan xem đây là cơ hội để chuyển đổi hình thức quản lý khai thác thủy sản từ cơ chế “tập trung nhà nước” sang “xã hội hóa” có sự tham gia của cộng đồng ngư dân. Ngư dân dần dần trở thành chủ thể vừa khai thác thủy sản vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là nhân tố quyết định một nghề cá bền vững.

Hữu Trung
Theo Baohatinh.vn